Đã nhiều lần làm quan giám khảo kỳ thi Đình (1), quan chủ khảo Âu Dương Tu (2) phát hiện một áng văn hào hùng khác thường. Áng văn này lập luận đanh thép, bút pháp không khuôn sáo tầm thường, nguời đọc không thể lướt qua.

– Có thể lấy đỗ đầu không? Quan phó khảo Mai Thánh Du hỏi.

– Không phải anh ta còn ai vào đây nữa? Âu Dương Tu cầm bút lông, chấm trong ngiên mực chuẩn bị phê, bỗng chiếc bút ngừng lại giữa chừng. Vốn, ông là nguời thận trọng, nghĩ tới việc nguời có quyển này có thể là học trò của mình lại đỗ đầu, sợ nguời ta dị nghị. Cho nên, cuối cùng quyển thi được xếp thứ hai.

Không lâu sau, quyển thi được mở ra mới biết được cái nguời tài hoa xuất chúng này là ai, đó là Tô Thức, nguời từ Mi Sơn, Tứ Xuyên tới. Sau đó, trong kỳ Điện thí do đích thân Tống Nhân Tông chủ trì hai anh em Tô Thức và Tô Triệt đều đỗ Tiến sĩ.

Âu Dương Tu là chủ soái của văn đàn đương thời, chỉ một câu nói của ông có thể gây dựng hay vùi dập một văn nhân. Một nhà văn lúc ấy đã từng nói, văn sĩ không sợ hình phạt, không thích ngợi ca, chỉ sợ có ý kiến của Âu Dương Tu. Thế mà Âu Dương Tu đã nói với mọi người:

– Đọc văn chương của Tô Thức, tôi xúc động mà không rơi lệ, tôi thấy phải từ chức, để cho chàng trai này thay mình.

Được lãnh tụ trên văn đàn đánh giá cao như vậy khi Tô Thức năm ấy mới 21 tuổi. Từ đó, ông bắt đầu con đường làm quan, bắt đầu bước lên văn đàn.

Đến đời Tống Thần Tông, Vương An Thạch thực hiện biến pháp, Tô Thức công khai phản đối, cho rằng biến pháp chưa phải nhu cầu cấp bách. Không lâu sau, ông tìm cách đả kích phái biến pháp. Triều Tống có một truyền thống tốt đẹp là không giết sĩ đại phu. Vì thế, ông bị biếm đến Hoàng Châu (nay là Hoàng Cương, Hồ Bắc).

Ở Hoàng Châu, Tô Thức trải qua một cuộc sống rất gian khổ, chỉ nhờ vào mấy mẫu ruộng cằn cỗi do những nguời bạn cho để ngày ngày sống cầm hơi. Ông lấy tên Đông Pha, lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ (3). Từ đó, mọi người đều thường gọi ông là Tô Đông Pha.

Khi đó, từ là một hình thức văn học  miêu tả những câu chuyện tình của các nhi nữ, tinh thần chủ yếu là trữ tình. Tô Đông Pha là nguời vốn lạc quan không như vậy, từ của ông viết hùng hồn khí phách, phóng khoáng, rất có cái phong thái của trang nam tử Hán, mở đầu cho trường phái hào sảng của Tống từ.

Ở phía tây bắc Hoàng Châu gần sông Trường Giang có một quả núi, một mặt sông có một bức tường đá lớn màu đỏ xẫm, được gọi là Xích Bích. Tất nhiên, đây không phải là Xích Bích trong trận đại chiến thời Tam quốc, nhưng các văn nhân tài tử đều coi đây là nơi đã diễn ra trận đánh hào hùng năm ấy.

Tô Đông Pha và bè bạn đã nhiều lần du ngoạn nơi đây. Ông trước sau đã viết “Tiền Xích Bích phú” và  “Hậu Xích bích phú”, lại còn viết một bài từ “Niệm nô kiều Xích Bích hoài cổ”:

“Đại giang đông khứ, 
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật. 
Cổ luỹ tây biên, 
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Du Xích Bích. 
Loạn thạch băng vân, 
Nộ đào liệt ngạn, 
Quyển khởi thiên đồi tuyết. 
Giang sơn như hoạ, 
Nhất thời đa thiểu hào kiệt. 

Dao tưởng Công Cẩn đương niên, 
Tiểu Kiều sơ giá liễu, 
Hùng tư anh phát. 
Vũ phiến luân cân, 
Đàm tiếu gian, 
Cường lỗ hôi phi yên diệt. 
Cố quốc thần du, 
Đa tình ưng tiếu ngã, 
Tảo sinh hoa phát. 
Nhân sinh như mộng, 
Nhất tôn hoàn thù giang nguyệt.”

Dịch:

Dòng sông đông rót, 
Đào thải hết ngàn thuở phong lưu nhân vật. 
Luỹ cổ tây biên, 
Người bảo đấy Tam Quốc Chu Du Xích Bích. 
Đá rối mây xen, 
Sóng tung bờ rạn, 
Cuộn bốc ngàn trùng tuyết. 
Non sông như vẽ, 
Một thuở bao nhiêu hào kiệt. 

Xa nghe Công Cẩn đương thì, 
Tiểu Kiều vừa mới cưới, 
Anh hùng phong cách. 
Phe phẩy quạt khăn, 
Khoảng tiếu đàm, 
Quân giặc tro tiêu khói diệt. 
Nước cũ thần du, 
Đa tình cười khéo giống, 
Tóc mau trắng toát. 
Đời như giấc mộng, 
Một chén trên sông thưởng nguyệt.

            (Bản dịch của Nguyễn Chi Viễn)

Trong bài từ này, Tô Đông Pha đã tái hiện cảnh tượng hùng tráng của trận đại chiến Xích Bích năm ấy, thể hiện đầy đủ tình cảm và lòng khâm phục với nguời anh hùng Chu Du và tình yêu vô bờ với giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, đây là một đỉnh cao phóng khoáng của từ.

Mấy năm sau, phe biến pháp thất bại, Tô Đông Pha được triệu hồi về kinh sư. Phe bảo thủ do Tư Mã Quang làm đại biểu nắm quyền, phe tân pháp không còn cách nào, tất cả bị phế truất. Tô Đông Pha nhận định khó phân biệt đúng sai, với những vấn đề chưa rõ ràng, ông tỏ ra không có cảm tình, nhưng trái với thái độ phản đối quyết liệt trước đây, ông muốn giữ lại một số thành quả của tân pháp, không ngờ giữa ông và triều đình cùng với Tư Mã Quang xảy ra tranh chấp. Kết quả, ông bị đưa tới làm Thái thú ở Hàng Châu.

Khi  còn trẻ, Tô Đông Pha đã từng lưu luyến không dời với cảnh đẹp nơi đây. Nhưng lần này tới Hàng Châu, ông không khỏi ngạc nhiên. Tòa thành nổi tiếng vẫn được gọi là “Thiên đường nhân gian”  đã hoàn toàn thay đổi: rất nhiều nhà cửa đổ nát, nguời đói đầy đường, Tây Hồ dường như đã biến thành một đầm lầy, chỉ thấy lau lách, cỏ dại.

Trước tình cảnh ấy, Tô Đông Pha vô cùng đau khổ, quyết định dốc sức chỉnh đốn, sửa sang lại Tây Hồ. Sau mấy năm cố gắng, Tây Hồ cuối cùng cũng khôi phục được dáng vẻ như những năm trước. Bùn đất từ Tây Hồ vét lên được đắp thành một con đê dài mười dặm, nối phía trong và ngoài hồ, mọi người đã gọi đó là “đê Tô”. Bây giờ, nếu du ngoạn Tây Hồ vào mùa xuân, nhất định du khách sẽ thấy phong cảnh nổi tiếng “Tô đê xuân hiểu” này.

Hàng Châu trở thành quê hương thứ hai của Tô Đông Pha, đã gắn bó với một nửa cuộc đời phiêu bạt sung sướng và đau khổ của ông. Ông đã viết bài thơ “Vịnh Tây Hồ” và tự cho rằng đây là bài thơ hay nhất.

Trong bài thơ này, Tô Đông Pha đã so sánh Tây Hồ với nguời đẹp Tây Thi ở thời Chiến quốc, trang sức dù ít ỏi hay đầy đủ đều có vẻ đẹp như nhau, còn Tây Hồ, dù trời nắng hay mưa phong cảnh vẫn làm say đắm lòng nguời.

Ở Hàng Châu còn lưu truyền rất nhiều  chuyện về Tô Đông Pha. Có một lần, ông ăn mặc giản dị du ngoạn trên núi ở gần Hàng Châu, tới thăm nơi ẩn tu của một đạo sĩ. Thấy Tô Đông Pha ăn mặc xuềnh  xoàng, đạo sĩ tỏ vẻ lạnh nhạt.

Chỉ cho khách một cái ghế, ông ta nói:

– Ngồi.

Rồi nói với tiểu đồng:

– Trà!

Sau khi trò chuyện với vẻ hững hờ mấy câu, đạo sĩ phát hiện đây không phải là nguời bình thường. Để thể hiện sự kính trọng, đạo sĩ đích thân mang ghế tới, nói:

– Mời ngồi!

Rồi nói với tiểu đồng:

– Dâng trà!

Tô Đông Pha vẫn không tỏ thái độ, tiếp tục trò chuyện với đạo sĩ. Càng nghe, đạo sĩ càng thấy con người này thật khác thường, bèn hỏi:

– Xin được hỏi tiên sinh quý tính đại danh?

– Tô Đông Pha!

– Ôi…!

Đạo sĩ vô cùng kinh ngạc, vội đứng dậy, mời ông vào phòng khách, lễ phép nói:

– Xin mời ngồi!

Rồi quay sang bảo tiểu đồng:

– Dâng trà hương!

Trước khi Tô Đông Pha ra về, đạo sĩ xin ông đề chữ lưu niệm. Không cần suy nghĩ, ông cầm bút viết luôn đôi “liễn”:

Tọa, thỉnh tọa, thỉnh thượng tọa

Trà, kính trà, kính hương trà.

Nhìn đôi  “liễn”, đạo sĩ mặt đỏ bừng.

Mấy năm sau, Tư Mã Quang mất, phái biến pháp một lần nữa “thượng đài”, bắt đầu dùng những nguời theo tân pháp. Đã nối tiếp Âu Dương Tu trở thành thủ lĩnh trên văn đàn, Tô Đông Pha trở thành vật hy sinh trong “chỉnh nhân lãng triều”, bị biếm đến Huệ Châu, Quảng Đông. Quảng Đông ngày nay rất phát triển, nhưng lúc đó khu vực Lĩnh Nam còn là vùng đất hoang vu, rõ ràng đây chỉ là nơi an trí.

Tô Đông Pha vượt trăm đèo nghìn suối tới Lĩnh Nam, ban đầu việc ăn ở còn chưa phù hợp. Nhưng chẳng bao lâu, con người lạc quan rất nhanh chóng thích nghi với phong cảnh và lối sống nơi đây, ông đặc biệt yêu thích những rừng cây rậm rạp trên núi cao và rừng vải xanh mướt.

Công việc của ông không nhiều nên càng có nhiều thời gian để sáng tác. Nhập gia tùy tục, ông cũng quen lối ngủ tới quá ngọ của nguời ở đây, và viết những tuyệt cú trong bài “Tung bút”:

“Bạch đầu mông tán mãn sương phong

Tiểu các đằng sang ký bệnh dung

Báo đạo tiên sinh xuân thùy mỹ

Đạo nhân thân đả ngũ cánh chung.”

Những câu thơ truyền đến Khai Phong, những kẻ thù của ông, trong đó có Tể tướng Chương Đôn đọc xong, cười nhạt, nói với những nguời xung quanh:

– “Xuân thụy mỹ”, hay lắm! Cái lão này đã thích an dật như thế, lại còn được đưa đến nơi xa xôi vậy.

Năm 63 tuổi, Tô Đông Pha được đưa tới một nơi không thể xa hơn, đó là Đam Châu, tại miền trung đảo Hải Nam ngày nay. Đã không có nơi ở, Tô Đông Pha còn chịu cảnh thiếu ăn thiếu mặc. Nhưng không gì có thể ngăn được niềm vui của nhà thơ. Ông thường cùng đám trẻ đi dạo trên bờ biển ấm áp, ngắm nhìn mặt trời lặn hoặc đứng đón gió dưới ráng chiều.

Năm 1101, Hoàng đế mới lên ngôi, Tô Đông Pha được đại xá trở về Giang Nam, rồi lâm bệnh mất ở Thường Châu Giang Tô.

Ông nhiều lần bị biếm, cuộc đời khốn khó, vốn sống phong phú đã khiến ông viết được nhiều tác phẩm ưu tú. Ngoài ra, ông còn nhiều bức thư họa, là một trong “tứ đại gia” (4) của thư pháp đời Tống. Ông thật là một nghệ sĩ lớn tài năng.

 

Chú thích:

  • Khoa cử Bắc Tống có 3 cấp: thủ giải thí, tỉnh thí và điện thí. Việc thi cử do bộ Lễ chủ trì.
  • Âu Dương Tu (1007 – 1072) nguời Lư Lăng, Cát Châu Bắc Tống (nay là Cát An, Giang Tây), tự Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông, còn có hiệu Lục nhất cư sĩ. Ông là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống.
  • Cư sĩ: chỉ nguời có đức tài mà ẩn cư.
  • Tứ đại gia thư pháp đời Tống là Tô, Hoàng, Mễ, Thái: Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất và Thái Tương (ban đầu Thái chỉ Thái Kinh, sau do giấy xuống cấp, được thay bằng Thái Tương.)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here