Đường Cao Tông Lý Trị là người tầm thường thiểu năng, mọi việc trong triều đều trông vào cữu phụ, Tể tướng  Trưởng Tôn Vô Kỵ (1). Về sau, vua lập Võ Tắc Thiên làm Hoàng hậu nên mọi việc đã hoàn toàn thay đổi.

Võ Tắc Thiên vốn là một tài nhân (2) trong cung của Đường Thái Tông, từ năm 14 tuổi đã được tuyển vào cung. Lúc đó, Đường Thái Tông có một đàn ngựa trong đó có một con ngựa quý không con nào sánh kịp, nhưng tính tình ngang bướng, không dễ điều khiển.

Một lần, cùng các cung phi tới xem ngựa, Đường Thái Tông vừa cười vừa nói:

– Có ai có thể chế ngự được con ngựa này?

Các cung phi đều im lặng, chỉ có Võ Tắc Thiên mới 14 tuổi dám dứng ra, nói:

–         Tâu bệ hạ, thần thiếp làm được

Thái Tông ngạc nhiên nhìn cô, hỏi có cách nào. Võ Tắc Thiên trả lời:

– Chỉ cần cho thiếp ba vật: thứ nhất là một ngọn roi thép thứ hai là một cây chùy thép,  và thứ ba là một thanh đoản kiếm.. Nó tỏ ra bất tuân, thiếp sẽ dùng roi thép quất vào mông, nó ngang bướng, thiếp sẽ dùng chùy thép nện vào đầu, còn nếu nó định gây chuyện, thiếp sẽ dùng đoản kiếm đâm vào cổ nó.

Đường Thái Tông nghe nói cười ha hả. Vua tuy cảm thấy lời Võ Tắc Thiên chưa hết vẻ trẻ con, nhưng cũng rất tán thưởng vẻ cứng cỏi trong tính cách của cô.

Khi Đường Thái Tông chết, theo quy tắc trong cung, Võ Tắc Thiên bị đưa tới am ni cô. Việc này tất nhiên không vừa ý Võ Tắc Thiên.

Khi còn là Thái tử, Đường Cao Tông đã gặp Võ Tắc Thiên. Sau khi  lên ngôi hai năm, vua đưa Võ Tắc Thiên ra khỏi am ni cô, phong làm Chiêu Nghi. Sau đó, Vua lại có ý định phế bỏ Vương Hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên làm Hoàng hậu. Việc này bị rất nhiều lão thần phản đối, đặc biệt là cữu phụ của Cao Tông là Trưởng Tôn Vô Kỵ, nói thế nào cũng không đồng ý.

Võ Tắc Thiên đã lôi kéo được một số các vị đại thần, trước mặt Cao Tông thì ủng hộ Hoàng hậu mới. Có người nói với Cao Tông:

– Đây là việc riêng của bệ hạ, người khác không thể nói được.

Đường Cao Tông lúc ấy mới quyết tâm  phế bỏ Vương Hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên thay thế.

Khi đã làm Hoàng hậu, Võ Tắc Thiên đã có những thủ đoạn quyết liệt, các lão thần đã phản đối bị giáng chức, bị lưu đày, Trưởng Tôn Vô Kỵ bị bức phải tự sát.

Không lâu sau, Cao Tông vốn đã thiếu khả năng lại bị bệnh lâu ngày, luôn luôn trong tình trạng thiếu tỉnh táo, có lúc không mở được mắt. Đường Cao Tông thấy Võ Tắc Thiên năng nổ, hiểu biết công việc liền giao việc triều chính cho bà ta.

Võ Tắc Thiên nắm quyền, dần dần không coi Cao Tông ra gì. Muốn làm việc gì nếu không được Võ Tắc Thiên không đồng ý Cao Tông không được làm. Đường Cao Tông rất buồn rầu, có lần Vua cùng Tể tướng  Trưởng Tôn Vô Kỵ bàn bạc. Thượng Quan Nghi là người phản đối Võ Tắc Thiên nắm quyền, nói:

– Bệ hạ không thể để Hoàng hậu lộng hành như thế, chi bằng nên phế bà ta đi.

Cao Tông là người không có chủ ý, nghe lời Thượng Quan Nghi, nói:

– Được, vậy ông thảo cho Trẫm một chiếu thư.

Lời hai người chuyện trò bị các Thái giám nghe thấy, họ đều là những người tâm phúc của Võ Tắc Thiên, liền đem chuyện nói với Võ Tắc Thiên. Đợi khi Thượng Quan Nghi thảo xong chiếu thư đưa lên Cao Tông, Võ Tắc Thiên mới xuất hiện. Bà ta lớn tiếng hỏi Cao Tông:

– Đây là cái gì vậy?

Đường Cao Tông nhìn thấy Võ Tắc Thiên, mặt thất sắc. Vua đem tờ chiếu thư do Thượng Quang Nghi thảo giấu vào trong tay áo, lúng ta lúng túng:

– Ta không có ý này, đó là do ý của Thượng Quan Nghi.

Võ Tắc Thiên lập tức hạ lệnh bắt Thượng Quan Nghi đem giết.

Sau việc này, mỗi khi Đường Cao Tông thiết triều, đều có Võ Tắc Thiên ngồi phía trong giám sát, việc lớn việc nhỏ, chỉ khi thấy Võ Tắc Thiên gật đầu mới được quyết định.

Năm 683, Cao Tông chết, Võ Tắc Thiên lần lượt đưa hai con lập làm Hoàng đế – Trung Tông Lý Hiển và Duệ Tông Lý Đán, nhưng cả hai đều làm không đúng với ý của bà. Bà phế bỏ Trung Tông, rồi lại giam Duệ Tông, bản thân với danh nghĩa Thái hậu lâm triều chấp chính. Lúc này Võ Tắc Thiên đã vấp phải sự phản đối của một số đại thần.

Không lâu sau, Từ Kính Nghiệp nổi dậy cần vương ở Dương Châu, mời nhà văn nổi tiếng Lạc Tân Vương (3) giúp viết một bài hịch kể tội Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên gọi người mang bài hịch tới đọc cho nghe. Bài hịch lên án Võ Tắc Thiên “tính cách sài lang” “tàn hại trung lương”, “thí quân trấm mẫu” (trấm chỉ dùng rượu độc để hại người)… Võ Tắc Thiên nghe xong bài hịch, còn hỏi:

– Bài hịch này do ai viết? Đúng là người có tài.

Làm sao để dẹp được phản loạn? Võ Tắc Thiên cùng Tể tướng  Bùi Viêm bàn bạc. Bùi Viêm khuyên:

– Giờ đây Hoàng đế tuổi đã lớn, nếu không để Vua chấp chính, sợ mọi người sẽ bàn tán, chỉ cần Thái hậu giao lại quyền cho Hoàng đế, cuộc nổi loạn của Từ Kính Nghiệp sẽ không đánh mà tan.

Nghe xong lời của Bùi Viêm, lửa giận của Võ Tắc Thiên bốc cao đến ba trượng, ra lệnh tống giam Bùi Viêm, rồi ra lệnh mang ba mươi vạn đại quân đánh dẹp Từ Kính Nghiệp. Từ Kính Nghiệp quân ít, thế yếu, chỉ đánh nhau được một trận đã thất bại.

Sau đó, lại có hai người là con cháu của triều Đường là Việt vương Lý Trinh và Lang Nha vương Lý Xung chống lại Võ Tắc Thiên cũng bị Võ Tắc Thiên đưa quân tới trấn áp.

Sau hai cuộc nổi dậy không lớn, cả nước dần an định, không còn ai dám đứng dậy chống lại Võ Tắc Thiên. Bà củng cố sự thống trị của mình, nhưng vẫn không vừa ý với danh nghĩa Thái hậu chấp chính.

Có một Hòa thượng hiểu tâm tư của Thái hậu, ngụy tạo một bộ kinh đem dâng Võ Tắc Thiên. Bộ kinh Phật đó nói VõTắc Thiên vốn là Phật Di Lặc đầu thai làm người nơi dương thế. Phật Tổ phái bà xuống trần, muốn bà thay thế triều Đường làm Hoàng đế thống trị thiên hạ.

Sau mấy tháng, có một viên quan tên là Bạc Du Nghệ cùng với hơn chin trăm người ở Quan Trung dâng thư thỉnh cầu Võ Tắc Thiên xưng đế. Võ Tắc Thiên vừa từ chối, vừa thăng chức quan  cho Bạc Du Nghệ. Kết quả, người khuyên bà làm Hoàng đế ngày càng nhiều. Người ta nói các văn võ bá quan, vương công quý tộc, dân chúng xa gần, thủ lĩnh các bộ tộc, hòa thượng tăng sĩ, dâng thư tiến biểu có tới hơn sáu vạn người.

Tháng 9 năm 690, Võ Tắc Thiên theo ý của mọi người, tư xưng “Thánh thần Hoàng đế”, đổi quốc hiệu thành Chu. Bà đã trở thành  nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

 

Chú thích:

(1)   Trưởng Tôn Vô Kỵ ( ? – 659) người Lạc Dương, Hà Nam  dòng dõi hoàng tộc từ đời Bắc Ngụy. Thường chinh chiến cùng với Đường Thái Tông, người chủ mưu trong Huyền Môn chi biến. Do mâu thuẫn với Võ Tắc Thiên bị buộc phải tự sát.

(2)   Tài nhân : tên gọi phi tần

(3)   Lạc Tân Vương (khoảng 640 – khoảng 684), người Nghĩa Điểu, Vụ Châu (nay thuộc Chiết Giang, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đầu đời Đường, một trong “Sơ Đường tứ kiệt”, sau khi theo Từ Kính Nghiệp thất bại, không rõ tăm tích.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thích những bài viết của Ông Giáo Làng còn
    Những dạy bảo của giao sư Lú làm cho người ta buồn nôn ! ./.

Trả lời PhucLe Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here