Thời Tấn An Đế, Lưu Dụ nắm đại quyền ở Đông Tấn. Ông ta vốn là một viên quan nhỏ, xuất thân nghèo khổ, không có địa vị gì trong giới sĩ tộc. Để nâng cao uy tín của bản thân, Lưu Dụ quyết định phát động “bắc phạt”.

Năm 409, Lưu Dụ xuất phát từ Kiện Khang, đem quân bao vây Quảng Cố (tây bắc Ích Đô, Sơn Đông ngày nay) kinh đô nước Yên (1). Vua nước Yên lo lắng vội cầu cứu nước Tần.

Lúc đó, ở phương bắc, Hậu Tần là một nước tương đối lớn. Vua Hậu Tần là Diêu Hưng sai sứ giả tới đại doanh của quân Tấn gặp Lưu Dụ, nói:

– Nước Yên và nước Tần chúng tôi vốn là láng giềng. Chúng tôi đã cho mười vạn đại quân đóng ở Lạc Dương. Nếu các ngài nhất định đánh nước Yên, chúng tôi không thể ngồi nhìn mà không cứu.

Lưu Dụ nghe sứ giả nói những lời dọa dẫm như thế, cười nhạt:

– Ông về nói với Diêu Hưng, ta vốn có ý định sau khi đánh xong nước Yên, để ba năm củng cố lực lượng sẽ hỏi tới các ông. Thôi, ông về đi!

Sứ giả ra khỏi cửa, có người hỏi Lưu Dụ:

– Ngài trả lời hắn như thế, sợ hắn sẽ làm Diêu Hưng nổi giận. Nếu quân Tần đánh tới, chúng ta phải đối phó như thế nào?

Lưu Dụ thản nhiên, nói:

– Ông thế là không hiểu điều đơn giản này. Cổ nhân có câu: “binh quý thần tốc”. Họ nếu thực muốn xuất binh, thì sẽ ngấm ngầm mà xuất binh, hà tất phải cho người đến báo tin cho ta trước. Đây chẳng qua do Diêu Hưng muốn khoa trương thanh thế, đe dọa chúng ta. Ta xem họ cứu mình còn chưa xong, sao có thể cứu người?

 Đúng như Lưu Dụ dự đoán, Hậu Tần khi ấy còn đang giao tranh với một số nước nhỏ, chưa thắng nổi, sao có quân đi cứu nước Yên. Không lâu sau, Lưu Dụ đã tiêu diệt được Nam Yên. Sau mấy năm. Lưu Dụ đã bình định xong, củng cố lực lượng, cát cứ phương nam, một lần nữa tiến hành “bắc phạt”, tiến công Hậu Tần. Ông ta cử đại tướng  Vương Trấn Ác chỉ huy bộ binh từ Hoài Hà đưa quân tiến công Lạc Dương, bản thân chỉ huy thủy quân men theo sông Hoàng Hà.

Khi ấy, triều Bắc Ngụy do tộc Tiên Ty ở phương bắc kiến lập đã mạnh lên, thế lực của nó đã phát triển tới bờ bắc sông Hoàng Hà. Ở đây, Bắc Ngụy tập kết mười vạn quân, uy hiếp quân Tấn. Thủy quân của Lưu Dụ men theo Hoàng Hà tiến bước, khí thế mạnh mẽ, thuyền của quân Tấn mới chỉ tới bờ bắc đã vấp phải sự ngăn chặn của Bắc Ngụy..

Lưu Dụ cho quân lên bờ bắc đánh quân Bắc Ngụy, quân Ngụy bỏ chạy, đợi cho quân Tần về thuyền, họ mới tới quấy nhiễu. Quân Tấn lúng túng, chưa có cách nào để tiến quân. Lưu Dụ cử một tướng  quân mang bảy trăm binh sĩ, một đơn vị quân tiến lên bờ bắc, triển khai thế trận hình trăng khuyết, hai đầu tiếp giáp bờ sông, ở giữa thúc trống, trên xe cắm lông chim trắng. Vì cách bày trận có hình như vành trăng khuyết nên có tên gọi “trận trăng khuyết”.

Quân Ngụy từ xa quan sát cách bày trận của quân Tấn, không hiểu có ý gì, cũng không dám tiến công. Một lát, chỉ thấy trên cái xe ở giữa phất cao lông chim trắng, hai bên hai nghìn quân đổ ra, lại mang theo hàng trăm cây cung lớn. Quân Ngụy thấy thế, vẫn chưa hiểu cơ sự ra sao, bèn tập trung ba vạn kỵ binh tiến đánh vào quân Tấn. Quân Tấn từ trên xe nhất loạt bắn tên, quân Ngụy không có nơi ẩn nấp. Không ngờ phía sau “mặt trăng khuyết”, còn hàng nghìn quân Tân sẵn sàng trường mâu (4) cùng với cung lớn. Những trường mâu này dài khoảng ba bốn thước, đầu mâu rất nhọn. Trong khi quân Ngụy đang tiến công quân Tấn, tên của quân Tấn lao vào quân Ngụy như mưa, mỗi trường mâu có thể giết được ba bốn lính Ngụy, ba vạn quân Ngụy bị giết chết mấy nghìn người. Quân Ngụy cón chưa biết phía sau quân Tấn còn có những vũ khí gì nữa trở nên hỗn loạn rồi sụp đổ. Quân Tấn thừa thắng truy kích, giết chết phần lớn lính Ngụy. Lưu Dụ đánh lui quân Ngụy theo sông Hoàng Hà tiến lên đường bộ thẳng về phía tây, vô cùng thuận lợi. Lúc đó, Vương Trấn Ác và Đàn Đạo Tế chỉ huy quân bộ đã đánh tới Lạc Dương, cả hai hội quân với Lưu Dụ ở Đồng Quan. Sau đó, Lưu Dụ cử Vương Trấn Ác đánh Trường An, diệt Hậu Tần.

Diệt xong Hậu Tần, Lưu Dụ để lại đứa con 12 tuổi cùng Vương Trấn Ác ở lại Trường An, còn mình mang quân về phương nam.

Sau mấy năm, Tấn An Đế chết, Lưu Dụ cho rằng thời cơ đã chin, cử người khuyên Tấn Cảnh Đế nhường ngôi. Năm 420, Lưu Dụ lên ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tống. Đó là Tống Vũ Đế. Vương triều Đông Tấn sau 104 năm thống trị phương nam tới lúc diệt vong.

 

Chú thích:

(1)   Nam Yên: một trong 16 nước. Năm 398, Mộ Dung Đức tộc Tiên Ty tự lập làm Yên vương ở Hoạt Đài (phía đông huyện Hoạt, Hà Nam ngày nay), sau định đô ở Quảng Cố. Năm 400 xưng đế.

(2)   Hậu Tần: Một trong 16 nước do người Khương kiến lập. Năm 384, Diêu Trường phản Tần, tự xưng Đại tướng  quân, Đại Thiền vu, Vạn niên Tần vương. Năm 386, định quốc hiệu là Đại Tần, sử gọi là Hậu Tần.

(3)   Bắc Ngụy: năm 386, Thác Bạc Khuê tộc Tiên Ty xưng vương, đóng đô ở Thịnh Lạc (tây nam Hạo Đặc, Nội Mông Cổ ngày nay), sau đổi quốc hiệu là Ngụy, sử gọi là Bắc Ngụy.

(4)   Mâu: vũ khí thời cổ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here