Thời Tây Tấn, giai tầng sĩ tộc quan liêu hoang dâm vô độ, tiêu sài phung phí đã nổi tiếng trong lịch sử. Chuyện Thạch Sùng và Vương Khải thi giàu là một điển hình cho lối sống trụy lạc của họ.

Thạch Sùng là một đại quan liêu, gia đình nhiều đời làm quan, thuộc loại “phú gia địch quốc”, nô bộc trong nhà có tới hơn tám trăm người. Vương Khải là cậu của Tấn Vũ Đế, từng được phong là Sơn Đô Huyện công, đất phong một nghìn tám trăm hộ, lại còn làm quan lại cao cấp: Phiêu kỵ tướng  quân, Tán thị thường thị.

Về quyền thế, Vương Khải lớn hơn nhưng về sự giàu có, không ai bằng Thạch Sùng. Tiền bạc của Thạch Sùng nhiều hay ít, không ai biết, chắc tiền của ông ta không thể nào đếm xuể. Thạch Sùng có mấy năm làm Thứ sử Ích Châu. Thời gian này, ngoài việc bóc lột tới tận xương tủy của nhân dân, ông ta còn nhiều trò ăn tiền rất bẩn thỉu. Những sứ thần ngoại quốc hoặc thương nhân tới Ích Châu, Thạch Sùng đều cho bộ hạ tới sách nhiễu, thậm chí còn cướp đoạt như giang hồ, công khai giết người để cướp bóc. Vì thế, ông ta có không biết bao nhiêu tiền của, vàng bạc châu báu, trở thành giàu nhất cả nước.

Thạch Sùng đến Lạc Dương, nghe nói Vương Khải cũng vô cùng giàu có bèn có ý muốn so sánh. Nghe nói nhà Vương Khải lấy mật rửa chảo, Thạch Sùng bèn ra lệnh cho đầy tớ dùng nến đốt lửa thay củi. Việc này truyền đi, ai cũng nói Thạch Sùng và Vương Khải vô cùng xa xỉ.

Vương Khải muốn khoe khoang sự giàu có của mình, trên con đường dẫn tới tư dinh, suốt bốn mươi dặm, cho người lấy tơ màu tím giăng hai bên. Ai tới nhà ông ta cũng đi qua con đường có trang hoàng này, thật là một sự trang trí xa hoa, ầm ĩ cả đất Lạc Dương.

Thạch Sùng muốn hơn đứt Vương Khải, dùng đoạn màu sang trọng hơn tơ giăng hai bên đường tới nhà mình suốt năm mươi dặm, hơn hẳn sự giàu có.

Vương Khải chịu thua lần này, nhưng vẫn chưa chịu, xin nhờ sự giúp đỡ của bên ngoại là Tấn Vũ Đế. Tấn Vũ Đế thấy cuộc thi này cũng thú vị, đem hai cây san hô quý ở trong cung cho Vương Khải, để Vương Khải khoe giàu có với thiên hạ.

Được sự giúp đỡ của nhà vua, Vương Khải càng xa xỉ hơn. Ông ta mời Thạch Sùng và các quan tới nhà dự tiệc. Trong bữa tiệc, Vương Khải nói với mọi người:

–         Nhà tôi có cây san hô hiếm có, xin mời mọi người thưởng lãm.

Trong khi mọi người chờ đợi, Vương Khải sai thị nữ khiêng cây san hô ra

Nó cao tới hơn hai thước, dáng vẻ rất cân đối, màu phấn hồng tươi đẹp rực rỡ. Người người ca ngợi không dứt lời, ai cũng cho rằng thật là vật quý hiếm có.

Chỉ có Thạch Sùng là cười nhạt, thấy cây gậy thiết như ý để trên bàn, Thạch Sùng thuận tay cầm lên, quật vào cây san hô. Chỉ nghe một tiếng “choang”, cây san hô vỡ tan.

Ai cũng kinh ngạc thất sắc. Chủ nhân là Vương Khải đỏ mặt tức giận, rồi lớn tiếng hỏi Thạch Sùng:

– Ông… ông làm cái gì vậy?

Thạch Sùng tươi cười, nói:

– Ngài không phải tức giận, tôi xin đền cây khác lớn hơn.

Vương Khải vừa tiếc, vừa giận, không ngừng nói:

–         Được, được! Ông đền cho tôi đi!

Thạch Sùng lập tức cho người về nhà, khiêng đến nhà Vương Khải cây san hô. Một lát sau, đám người đưa tới hơn chục cây san hô, trong đó có sáu bảy cây cao tới ba, bốn thước, hơn hẳn cây san hô của Vương Khải. Cây nào cũng đẹp mắt, màu sắc rực rỡ, hấp dẫn hơn nhiều.

Những người xung quanh trố mắt nhìn. Vương Khải lúc này mới biết Thạch Sùng giàu có tới mức nào, gấp bao nhiêu lần nhà mình, đành chịu thua.

Vương Khải, Thạch Sùng đều là quan lại cấp cao, sang trọng hơn người, giàu có khác thường. Nhà vua cũng trợ giúp cho cuộc đua giàu có, thế mới biết cuộc sống của họ suy bại như thế nào.

Vương Khải và Thạch Sùng còn thường tổ chức những buổi yến tiệc để thể hiện sự ngang tàng của mình. Vương Khải mời khách uống rượu, có mỹ nữ thổi sáo mua vui. Nếu ai thổi lạc điệu, sẽ đem người đó ra chém.. Thạch Sùng thì cho mỹ nữ mời khách uống rượu, nếu khách nào không vui vẻ uống hay uống ít, sẽ chém mỹ nữ dâng rượu. Trong một tiệc rượu, Thạch Sùng mời tướng  quân Vương Đốn uống rượu. Vương Đốn vốn là người tàn nhẫn, cố ý không uống. Thạch Sùng đã phải chém. tới ba mỹ nữ. Người cùng dự tiệc không cầm lòng được, nói với Vương Đốn:

– Ngài uống đi!

Vương Đốn thờ ơ nói:

– Ông ta giết người của ông ta, quan hệ gì tới mình?

Quả là những người này đã tàn nhẫn đến không còn chút nhân tính nào.

Giai cấp thống trị Tây Tấn quả là lòng tham vô đáy, ăn chơi xa xỉ, hoàn toàn hủ bại. Chính vì thế, mâu thuẫn giai cấp trong triều đại Tây Tấn vô cùng gay gắt, nội bộ tập đoàn thống trị cũng vì tranh quyền đoạt lợi mà xung đột liên miên. Vương triều Tây Tấn chỉ ổn định được khoảng hơn hai mươi năm, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn.

 

Chú thích:

(1)   Sĩ tộc: chỉ địa chủ thời Nam Bắc triều đến Tùy Đường, thời Tây Tấn là cực thịnh.

(2)   Ích Châu: Nay là vùng Hồ Bắc, Hồ Nam, lúc đó là đầu mối giao thông giữa bắc và nam, buôn bán rất phồn thịnh.

(3)   Thiết như ý: một khí cụ, là đồ tế thời Ngụy Tấn. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here