Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung là con của Vũ Đế Tư Mã Viêm, ông là một ông vua nổi tiếng đần độn.

Tư Mã Trung mới 9 tuổi đã lên ngôi, lớn lên trong hoàng cung, quen cuộc sống xa hoa hưởng lạc, học hành ít ỏi, không hiểu được những gian nan trong cuộc đời, không biết việc trị được thiên hạ đâu phải dễ dàng, thậm chí rất nhiều điều bình thường trong cuộc sống cũng không hiểu biết. Có lần, sau một trận mưa, hồ ao khắp nơi vang tiếng kêu của ếch nhái. Tư Mã Trung vốn chỉ sống trong Hoàng cung, chưa nghe những tiếng kêu đó bao giờ, nghe thấy rất lạ lùng, bèn hỏi người hầu:

– Tiếng gì kêu mà ầm ĩ vậy? Kêu vì việc công hay việc tư đấy?

Người hầu biết không thể nào nói để vua hiểu rõ, bèn nói cho qua chuyện:

– Tiếng kêu ở trong nhà quan là việc công, còn tiếng kêu ở nhà dân là việc tư.

Tư Mã Trung nghe nói, gật gù cái đầu ra vẻ đã hiểu và rất vừa ý với câu trả lời.

Khi Tấn Huệ Đế ở ngôi, thiên tai nghiêm trọng, dân chúng không có cơm ăn, phải lấy vỏ cây thay cơm, nơi nơi đều có người chết đói. Có người đem chuyện này tâu lên Tấn Huệ Đế, xin vua mau ra lệnh cứu giúp muôn dân. Tư Mã Trung nghe lời tâu, vừa gật gù suy nghĩ, vừa lẩm bẩm:

– Không có cơm ăn, người chết đói,; không có cơm ăn, người chết đói..

Sau đó ngẩng đầu lên, hỏi người vừa tâu:

– Thế sao không ăn thịt?

Ý nhà vua muốn hỏi, người chết đói không có cơm ăn, sao không ăn cháo thịt?

Khi ấy, người đói tới mức vỏ cây còn không có mà ăn, lấy đâu ra cháo thịt?

Tư Mã Trung ngớ ngẩn đến như thế.

Hoàng hậu của Tấn Huệ Đế là Giả Nam Phong, là con của đại thần Tây Tấn Giả Sung. Bà ta chèn ép Tấn Huệ Đế vì vua đần độn, thâu tóm quyền hành, cất nhắc những người trong họ mình, bài xích người họ khác, làm cho trật tự trong triều rối loạn, kỷ cương bị coi thường. Càng ngày Giả Nam Phong càng tàn nhẫn, bạo ngược, càng tìm mọi cách thỏa mãn cuộc sống hoang dâm vô độ, công khai tư tình cùng với các đại thần, còn tìm bọn con trai khỏe mạnh thông minh vào cung để tư thông. Bà ta chính là nguyên nhân khiến xảy ra “bát vương chi loạn” (loạn bát vương), khiến Hoàng tộc nhà Tấn tàn sát lẫn nhau. Sau đó bị Triệu vương Tư Mã Luân giết chết.

Chuyện về Giả Nam Phng có rất nhiều, xin kể một chuyện:

Ở Hà Nam có một viên quan nhỏ, rất thông minh, tuấn tú. Nhưng vì chỉ là một chức quan thấp nên cuộc sống của anh ta cũng thiếu thốn, chỉ đủ sống mức tối thiểu. Nhưng bỗng nhiên một ngày, người ta thấy anh ta trở nên sang trọng, quần áo đẹp đẽ, ăn uống toàn sơn hào hải vị, ai cũng ngạc nhiên, hỏi lẫn nhau vì sao bỗng nhiên anh ta lại nhiều tiền như thế, nhiều người nghĩ rằng chắc chỉ có ăn trộm mới giàu nhanh  như vậy. Huyện úy cũng cảm thấy không bình thường, bèn cho người đến điều tra. Viên quan nhỏ ấy khẳng định mình không ăn trộm, người người đua nhau yêu cầu anh ta giải thích. Ban đầu, anh ta không muốn nói, nhưng cuối cùng, cũng đành phải nói:

– Một hôm, tôi đang đi trên đường, bỗng gặp một lão phu nhân, bà ấy nói trong nhà có người bị bệnh, thầy bói nói phải tìm một người đàn ông còn trẻ tuổi, dáng vẻ cao ráo có thể trấn áp ma tà, bệnh có thể sẽ khỏi. Bà ta mời tôi về, hứa nếu người nhà khỏi bệnh sẽ có hậu tạ. Tôi nghe nói, thấy việc này vô hại, mà có khi còn có lợi, bèn đi cùng với bà ta. Bà ta bảo tôi lên kiệu, đi khoảng hơn mười dặm thì tới nhà. Nhà bà ta vô cùng to lớn và đẹp đẽ, tôi quả thật rất ngạc nhiên. Tôi hỏi bà ta đây là đâu, bà ấy bảo đây là trên trời, tôi cảm thấy bà ấy nói có vẻ đúng. Sau đó bà ấy đưa tôi vào một phòng tắm đầy hương thơm, cho tôi ăn toàn những sơn hào hải vị. Sau đó có một người phụ nữ khoảng 35, 36 tuổi xuất hiện, dáng người thấp nhỏ, màu da mai mái. Người này giữ tôi trong phòng ngủ, hàng ngày cùng bà ấy hoan lạc, chúng tôi tận hưởng lạc thú. Cuộc sống  đơn giản mà rất tốt đẹp, chúng tôi không thể rời nhau. Ít lâu sau, bà ấy cho tôi rất nhiều tiền tài vàng bạc, đó chính là nguyên nhân vì sao tôi có cuộc sống sung túc bây giờ, các ngài có tin không? Tôi cũng còn thấy kỳ lạ, cảm thấy cứ như trong truyện thần thoại.

Nghe viên quan nói, căn cứ vào cách miêu tả vẻ ngoài của người phụ nữ, ai cũng biết đó chính là Gỉa hậu, đều cười thầm trong bụng. Huyện úy cũng đã biết người phụ nữ kia là ai, đành phải tha cho anh ta về.

Sau đó, một số người biết câu chuyện kỳ lạ này bị hãm hại. Cuộc sống dâm đãng của Giả Nam Phong là như thế.

Hoàng đế ngớ ngẩn, Hoàng hậu dâm đãng, triều chính ngày càng suy bại, các thế lực phân phong của những người trọng họ ngày càng mạnh lên, ai cũng có ý tạo phản. Rồi ngoại thích cũng bắt đầu làm rối loạn triều chính, muốn phế trừ người khác họ. Vương triều Tây Tấn bước vào giai đoạn lâm nguy.

 

Chú thích:

(1)   Quan gia: từ đời Tấn, nhà vua thường tự xưng Quan gia.

(2)   Giả Sung (217 – 282), người Bình Dương, Tây Tấn (nay là đông nam Lâm Phần, Sơn Tây), từng làm Thượng thư lang đời Ngụy.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here