Khi Tào Tháo và Viên Thiệu tranh hùng ở phương bắc, cha con họ Tôn dần chiếm được  vùng đất hạ du Giang Đông, về sau thành lập chính quyền, đó là nước Ngô một trong Tam Quốc. Mở đầu của nước Ngô là kể từ khi Tôn Sách chiếm Giang Đông.

Tôn Sách, Tôn Quyền là hai anh em, cha của họ là Tôn Kiên, vốn là bộ hạ của Viên Thuật. Một lần, Tôn Kiên thay Viên Thuật đi đánh Ích Châu, bị bộ tuớng của Thích sử (1)Ích Châu Lưu Biểu là Hoàng Tổ bắn  chết ở Hiện Sơn (ngoại thành thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc nay).

Lúc đó, Tôn Sách mới có 17 tuổi, Sách tiếp tục nương nhờ Viên Thuật là cấp trên của cha trước đây. Viên Thuật thấy Tôn Sách còn trẻ tuổi đã tỏ ra anh tuấn, trong lòng rất vui mừng. Ông thường nói với mọi người:

– Nếu như con ta có thể giống như Tôn lang, ta có chết cũng không ân hận.

Sau khi Tôn Sách theo Viên Thuật không lâu, Thích sử Dương Châu là Lưu Dao ỷ vào ưu thế binh lực chiếm Đan Dương, vùng đất của Ngô Cảnh, cậu của Tôn Sách chiếm giữ., Tôn Sách yêu cầu Viên Thuật  cho mang quân đi đánh Lưu Dao, giúp cậu vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Viên Thuật thấy việc làm của Lưu Dao cũng làm tổn hại đến lợi ích của mình ở Giang Đông (2), liền lợi dụng Tôn Sách đi đánh Lưu Dao, cho Tôn Sách mượn một nghìn người ngựa.

Tôn Sách tiến vào Giang Đông, trên đường không ngừng chiêu binh mãi mã. Đến nửa đường,  Sách được người bạn là Chu Du giúp đỡ, bổ sung lương thảo và các đồ cần thiết khác, tăng cường lực lượng của mình. Sau khi đánh bại được Lưu Dao, Sách thừa cơ khống chế một vùng đất lớn ở Giang Đông.

Năm 196, Sách thừa thắng đánh vào Ngô Quận (thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô nay), chiếm đại Cối Kê và 4 quận khác, tự phong là Thái thú Cối Kê. Từ đó, Sách cắt đứt quan hệ với Viên Thuật, bắt đầu xưng bá ở Giang Đông. Từ một nghìn người ngựa làm vốn ban đầu, Tôn Sách có một vùng đất Giang Đông, điều này Viên Thuật chưa bao giờ nghĩ tới.

Tôn Sách chưa vừa ý với việc chiếm được sáu quận ở Giang Đông, muốn vượt sông tranh giành đất đai với Tào Tháo. Thái thú Ngô Quận là Hứa Cung thấy được suy nghĩ của Tôn Sách, bèn cho người ngầm báo tin cho Tào Tháo. Người đưa tin khi qua sông bị quân của Tôn Sách tra hỏi. Tôn Sách biết việc này, đã nghĩ cách lừa Hứa Cung , đem giết đi. Gia tộc và nô bộc của Hứa Cung vội bỏ chạy, hạ quyết tâm báo thù.

Một hôm, Tôn Sách mang theo một số quân lính đi săn ở ngoại ô Đân Đồ (thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô nay). Ông ta thấy một con hươu chạy ở trước mặt, bèn phi ngựa đuổi theo. Đuổi vào đến rừng sâu, thấy có ba người mang thương, cung ở đó. Tôn Sách đang muốn hỏi họ, một người trong đó đã dùng thương đâm. Tôn Sách dùng kiếm chống đỡ, chém được hắn, nhưng một người khác, nhân khi Sách sơ ý, dùng cung bắn trúng má của Sách. Người đó thét lớn:

– Chúng ta báo thù cho chủ là Hứa Cung!

 Quân lính của Tôn Sách chạy đến, giết chết được thích khách, máu đã chảy đầy mặt, Tôn Sách bị trọng thương.  Quân lính vội cứu chữa, đưa Sách về Cối Kê dưỡng thương.

Vì mũi tên của thích khách có thuộc độc, nên vết thương của Tôn Sách ngày càng nặng. Sách biết mình không thể sống được, bèn gọi em là Tôn Quyền và Trưởng sử Trương Chiêu đến, dặn dò hậu sự. Tôn Sách nói với em:

–         Sau khi ta chết, cục diện Giang Đông sẽ do đệ nắm giữ. Đệ phải thường xuyên nhớ tới khó khăn sáng nghiệp của cha anh, phải dựa vào Trương Chiêu, Chu Du, phải trọng dụng những người có tài, không được khuất phục cường bạo, phải kiên quyết bảo vệ Giang Đông. Nói xong, Tôn Sách dùng tay ra hiệu, đem ấn thụ đeo vào cổ Tôn Quyền. Tôn Quyền cố nén đau thương, an ủi anh. Tôn Sách quay lại nắm tay Trương Chiêu, nói:

–         Bây giờ thiên hạ đại loạn. Người tài ở Giang Đông chúng ta rất nhiều, lại có Trường Giang hiểm trở, chống lại cường bạo tranh bá với thiên hạ. Đây là việc có thể làm được. Mong ông hết sức phò tá em ta!

 Nói xong, hôn mê, thở hắt ra rồi chết, Sách chỉ có 26 tuổi.

Sau khi Tôn Sách chết, Tôn Quyền mới có 19 tuổi, với sự giúp đỡ của Trương Chiêu, bắt đầu nắm quyền quân sự và chính trị. Qua mấy ngày, Chu Du từ Ba Khâu đến Ngô Quận, cùng giúp đỡ cho Tôn Quyền. Chu Du lúc đó là Trung hộ quân (4), Thái thú Giang Hạ, nắm binh quyền, thuộc phái trọng thực lực. Tôn Quyền thấy Chu Du đến, vui vẻ nói:

– Ngài đến tôi rất yên tâm. Anh tôi lúc lâm chung dặn dò tôi phải thường thỉnh giáo ngài và Trương Chiêu, mong các ngài ra sức giúp đỡ tôi.

 Chu Du trả lời:

–         Trương Chiêu là người hiểu biết, đảm đương được việc quan trọng này, năng lực của tôi rất kém, sợ là phụ sự phó thác của anh ngài. Tôi muốn tiến cử một người giúp đỡ ngài.

 Tôn Quyền hỏi:

–         Ngài tiến cử ai?

 Chu Du nói:

–         Có một người ở Đông Thành Lâm Hoài, họ Lỗ tên Túc, rất có tài năng quân sự. Ngài có thể lập tức đến mời ông ta!

 Tôn Quyền nghe nói rất vui vẻ, nhờ Chu Du đi mời Lỗ Túc ở bên cạnh mình tăng thêm người giúp bàn mưu kế.

Lúc đó Giang Đông mới định, chính cục chưa  ổn, lòng người chưa yên. Đối với Tôn Quyền, đây quả là một thử nghiệm khó khăn. Giang Đông có rất nhiều người có thái độ xem chừng với Tôn Quyền, có người hoài nghi sự thống trị của Tôn Quyền không được lâu dài, có người thậm chí công khai chống lại. Thái thú Lư Giang Lý Thuật chính là một người công khai chống lại. Để làm gương, Tôn Quyền đã nhanh chóng điều động quân đội, tiêu diệt Lý Thuật đem toàn bộ hơn ba vạn quân của Lý Thuật thành quân của mình. Mọi người thấy Tôn Quyền có khí phách, có đảm lược, lại rất quyết đoán như thế, trong lòng đã khâm phục, nguyện phục tùng sự chỉ huy của ông, cục diện Giang Đông ổn định lại.

Năm Kiến An thứ 7 Hán Hiến Đế (năm 202), Tào Tháo cho sứ giả đến Giang Đông, yêu cầu Tôn Quyền cho một người con đến Hứa Xương làm con tin, để biểu thị sự hòa hảo giữa hai nhà. Tôn Quyền triệu tập văn võ bá quan bàn bạc việc này. Trưởng sử Trương Chiêu là một quan văn, sợ chinh chiến, nói:

–         Nếu ta không đưa người đi, sợ Tào Tháo sẽ mượn cớ mang quân đánh Giang Đông. Một khi kẻ địch áp sát biên giới, tình hình sẽ nguy hiểm đấy!

 Chu Du phản đối ý kiến làm hạ uy phong chí khí của mình, nói:

–         Nếu theo chủ trương của Trưởng sử, cho người đi làm con tin, như thế chúng ta đã trở thành người phụ thuộc Tào Tháo, sẽ chịu sự khống chế của hắn, nghe hắn chỉ huy, sự nghiệp xưng bá ở Giang Đông của chúng ta sẽ kết thúc. Bây giờ chúng ta chiếm 6 quận của Giang Đông, sản vật phong phú, binh khỏe, lương nhiều, lòng người không loạn, tướng sĩ sẵn sàng. Có lý do gì phải đưa người làm con tin cho Tào Tháo?

 Tôn Quyền đồng ý với cách nhìn của Chu Du, cho rằng cần phải không khuất phục trước sự uy hiếp của Tào Tháo. Quyền kiên quyết cự tuyệt yêu cầu của Tào Tháo.

Được sự đồng tâm hiệp lực của các quan văn võ, Tôn Quyền chăm chú việc quản lý chính sự, nỗ lực tăng cường thực lực quân sự. Từ đó, sự nghiệp xưng bá ở Giang Đông do Tôn Sách mở đầu đến Tôn Quyền dần được củng cố.

 

Chú thích:

(1)                    Viên Thuật: em của Viên Thiệu, từng làm chức Hà Nam doãn, Hổ tham trung lang tướng. Sau chiếm Dương Châu, tự làm Thích sử, kiêm Từ Châu bá. Năm 197, xưng đế ở Thọ Xuân (huyện Thọ, An Huy nay), khống chế một vùng Hoài Nam (miền trung An Huy nay).

(2)                    Thích sử: có từ năm Nguyên Phong thứ 5 Hán Vũ Đế (106 trước CN) , không có trị sở, phụng chiếu tuần hành các quận. Thời Đông Hán, trị sở cố định, thực tế đã trở thành trưởng quan hành chính, cấp trên của Quận thú.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here