Thời Đông Hán, hoàng thân quốc thích và cường hào địa chủ hoành hành ngang ngược, họ chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, lập những  điền trang có quy mô cực lớn, nuôi dưỡng gia binh, một điền trang như một vương quốc nhỏ độc lập, chính quyền địa phương đều không dám đắc tội với họ.

Lúc đó, xuất hiện một vị chấp pháp nghiêm minh, dám đấu tranh với hoàng thân quý thích, cường hào địa chủ, ông có thể bất chấp quyền chức và tính mệnh của mình, chỉ cần đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Ông chính là người được gọi là “Cường hạng lệnh” Đổng Nghi.

Khi Đổng Nghi làm quan ở Bắc Hải (huyện Xương Lạc, tỉnh Sơn Đông nay), ở đó có một vụ án cường hào địa chủ tùy tiện giết người: một cường hào địa chủ tên là Công Tôn Đan, mới xây dựng ở Bắc Hải một ngôi nhà to cao sang trọng, sau khi hoàn thành, người thày bói nói ngôi nhà tuy có đẹp, nhưng xúc phạm hung thần, vào đó ở nhất định sẽ chết người. Công Tôn Đan nghe nói rất sợ hãi, quyết định hy sinh tính mạng một người khác để trừ tai họa cho mình. Hắn bảo con đứng chờ ở cửa, thấy có người qua đường , tự ý bắt đem giết đi, chôn ở trong vườn nhà, dùng cách này để tế lễ hung thần để trừ tai họa chết người khi vào ở. Cha con Công Tôn Đan tự ý giết người , rõ ràng là phạm pháp, nhưng Công Tôn Đan là một cường hào địa chủ nổi tiếng ở địa phương, không ai dám làm gì. Đổng Nghi không sợ những điều đó, ông cho rằng là quan ở địa phương, phải có trách nhiệm, sau khi ông tìm hiểu mọi việc rõ ràng, lập tức cho người bắt cha con Công Tôn Đan, xử tử hình, án được chấp hành ngay. Lúc đó, cường hào địa chủ ở Bắc Hải chấn động, từ đó không ai dám làm việc càn rỡ, tự ý giết người nữa.

Đổng Nghi xử lý các vụ án rất xuất sắc, nên được người ta phong cho là “Cường hạng lệnh” là từ vụ án quản gia của công chúa Hồ Dương.

Công chúa Hồ Dương, chị của Quang Vũ Đế Lưu Tú, cũng là một cường hào địa chủ nổi tiếng, ở ngoại ô kinh thành Lạc Dương, bà chiếm một khu đất rộng lớn, trong thành Lạc Dương đã có một ngôi nhà tráng lệ, nô tì trong nhà có tới nghìn người. Một lần, quản gia của công chúa Hồ Dương giết người giữa ban ngày, vi phạm luật hình (2). Lúc đó, Đổng Nghi đang làm huyện lệnh ở Lạc Dương, kẻ giết người sợ Đổng Nghi trị tội, trốn vào trong nhà công chúa Hồ Dương, nhờ công chúa bao che, ngoài vòng pháp luật. Đổng Nghi biết vụ án này, rất tức giận, quyết tâm bắt kẻ phạm tội để xử lý theo pháp luật.

Đổng Nghi cứ đợi mãi, cuối cùng cơ hội cũng đến. Một lần, công chúa Hồ Dương có việc ra ngoài, mang theo một đám gia nô. Tên quản gia giết người cho rằng sóng gió đã qua rồi, cũng ẩn mình trong đám gia nô ra ngoài. Đổng Nghi nghe tin, vội mang theo người ngựa của huyện nha môn, chờ ở Hạ môn đình, nơi công chúa Hồ Dương sẽ đi qua. Khi xe ngựa của công chúa Hồ Dương tiền hô hậu ủng tới Hạ môn đình, Đổng Nghi bỗng xuất hiện trên đường, ngăn lại. Ông chỉ đao xuống đất, lớn tiếng nói với công chúa:

– Bẩm báo công chúa, quản gia của bà ngang ngược coi thường pháp luật, giết người, cần phải xử tội, xin bà giao tên giết người này!

Công chúa Hồ Dương thấy Đổng Nghi ngăn xe ngựa của mình, đòi bà giao tên quản gia, cảm thấy bị mất mặt trước đám đông, rất không vui. Bà xầm mặt, trách Đổng Nghi:

– Đổng Nghi! Người là huyện lệnh, không thể ăn nói bừa bãi. Quản gia của ta làm sao mà giết người? Ngươi có chứng cớ gì không?

Đổng Nghi nói:

– Tôi tất nhiên là có chứng cớ, khi quản gia của bà giết người, có rất nhiều người tận mắt nhìn thấy. Nếu bà không tin, tôi có thể tìm người đến làm chứng!

Công chúa thấy tình hình không có lợi, vội đổi giọng:

– Đổng Nghi! Ngươi phải biết, quản gia của ta là người ta rất tin cậy, nếu thật hắn có giết người, ngươi cũng nể mặt ta cho qua đi!

Đổng Nghi thấy công chúa Hồ Dương thản nhiên coi thường pháp luật, muốn bảo vệ cho tên giết người , đã cao giọng nói với công chúa:

– Công chúa! Bà gia pháp không nghiêm, quản gia mới làm việc xằng bậy. Hắn rõ ràng là phạm pháp, phải trị tội, bà lại xin cho hắn, quản gia của công chúa liệu có tuân theo pháp luật của Hoàng thượng không?

Công chúa Hồ Dương bị Đổng Nghi hỏi ngược lại, không thể nói được câu gì. Tên quản gia giết người thấy hoàn cảnh bất lợi, vội trốn sau lưng mọi  người, nhưng Đổng Nghi đã nhận ra hắn, lệnh cho thủ hạ bắt hắn, đem ra giữa đường  chém chết hắn.

Công chúa Hồ Dương thấy một tên huyện lệnh nhỏ bé, thản nhiên xúc phạm bà, chém quản gia của bà giữa đám dân chúng, trong lòng rất tức giận. Bà vội chạy đến hoàng cung, tìm Quang Vũ Đế Lưu Tú nói nỗi lòng của mình, yêu cầu Quang Vũ Đế giúp bà lấy lại thể diện. Quang Vũ Đế nghe nói Đổng Nghi dám vô lễ với chị mình, cũng rất tức giận, lập tức hạ lệnh cho bắt Đổng Nghi, dùng côn đánh cho chết.

Đổng Nghi nghe nói Quang Vũ Đế muốn đánh chết mình, bình tĩnh nói:

– Hoàng thượng muốn đánh chết thần, thần không dám chống lại. Chẳng qua xin hoàng thượng cho thần nói vài câu trước khi chết!”

Quang Vũ Đế hỏi:

–         Ngươi muốn nói gì?

Đổng Nghi nói:

–         Bệ hạ sáng suốt nên mới phục hưng được triều Hán. Nay quản gia của công chúa giết người, công chúa xem thường pháp luật của Hoàng thượng, muốn bao che cho hung thủ giết người. Thần chẳng qua nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, lại phải toi mạng. Bệ hạ chế định pháp luật của mình, mình lại phá hoại, sao có thể cai trị được quốc gia. Thần thấy bệ hạ không cần phải ra tay, thần sẽ tự chết ở ngay đây.

 Nói xong, đập đầu vào cột cung điện, da đầu rách ra, máu chảy lênh láng trên mặt, Quang Vũ Đế vội gọi thái giám đỡ Đổng Nghi dậy. Vua hỏi rõ ngọn ngành, cảm thấy lời của Đổng Nghi rất có lý, nhưng để chiếu cố đến sĩ diện của chị, muốn Đổng Nghi xin lỗi chị, rồi kết thúc sự việc. Vua nói với Đổng Nghi:

– Ngươi dựa vào pháp luật mà làm việc, là rất đúng đạo lý, nhưng đã xúc phạm đến công chúa, khiến cho công chúa mất thể diện, ngươi bây giờ phải cúi đầu trước công chúa, xin tha lỗi, ta sẽ tha cho ngươi.

Đổng Nghi nghe nói phải tạ tội với công chúa, rất không vừa lòng, nói gì cũng không chịu. Quang Vũ Đế bảo người kéo Đổng Nghi đến trước mặt công chúa Hồ Dương, sau đó ấn đầu của ông quỳ xuống lạy. Đổng Nghi ngồi hẳn xuống, hai tay chống xuống đất, cổ ngẩng lên, cứng lại, chết cũng không chịu cúi đầu.

Công chúa Hồ Dương thấy thái độ bướng bỉnh của Đổng Nghi, cảm thấy mình thật sượng mặt, nói với Quang Vũ Đế:

–         Trước đây khi bệ hạ còn ở làng, chuyên môn bao che cho những người phạm tội, các quan không bao giờ dám đến kiểm tra nhà chúng ta. Nay bệ hạ làm thiên tử cao quý, chẳng lẽ một tên huyện lệnh tép diu cũng không trị nổi sao?

 Quang Vũ Đế cười buồn nói:

–         Thiên tử và dân khác nhau. Đổng Nghi là một huyện lệnh cứng cổ, là vì để bảo vệ pháp luật của hoàng gia mới như thế, ta không thể trị hắn, bà nên tìm một người khác làm quản gia!

 Nói xong, vua hạ lệnh thả Đổng Nghi, còn thưởng cho ông ta một bữa cơm rượu. Đổng Nghi đem cơm rượu ăn hết sạch, sau đó đem toàn bộ bát đĩa, để lên bàn. Người coi việc này cho rằng Đổng Nghi có ý xúc phạm Hoàng thượng, đem ông đến trước mặt Quang Vũ Đế.. Quang Vũ Đế nghe kể lại, hỏi Đổng Nghi:

–         Đổng Nghi! Lần này ngươi còn nói gì nữa đây?

 Đổng Nghi nói:

–         Hoàng thượng đã thưởng cho thần ăn cơm, thần không dám để thừa lại một chút gì, Hoàng thượng giao cho thần công việc, thần đã đem toàn bộ sức lực, đây chính là ý của việc thần đã ăn hết tất cả cơm rượu, rồi đem  bát đĩa để trên bàn.

 Quang Vũ Đế nghe xong, gật gật đầu:

–         Tốt lắm!

 Vua hạ lệnh thưởng cho Đổng Nghi 30 vạn tiền. Đổng Nghi đem toàn bộ số tiền đó chia cho tay chân của mình. Từ đó,  tên “Cường hạng lệnh” của Đổng Nghi được truyền đi khắp nơi.

Quang Vũ Đế khoan dung với mọi người, trọng dụng những người như Đổng Nghi, triều Hán mới có thể phục hưng, sử gọi là “Quang Vũ trung hưng”.

 

Chú thích:

(1)              Gia binh: người được vũ trang trong nhà cường hào địa chủ, biên chế dựa theo quân dội, trước gọi là bộ khúc, dựa vào đó để sai khiến nông dân.

(2)              Hán đại hình luật vi “Cửu chương luật”, do Tiêu Hà tham chiếu luật đời Tần chế định, có 9 chương.

(3)              Quang Vũ trung hưng: Thời gian Quang Vũ Đế Hán Lưu Tú ở ngôi, nhờ có chính sách hưu dưỡng sức dân, giảm tô thuế, lao dịch, đề cao việc sửa sang thủy lợi, phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường trung ương tập quyền, mói việc trong cả nước thông qua Thượng thư đài giúp cho Hoàng đế, vuopwng triều Hán xuất hiện khí thế phục hưng, sử gọi là “Quang Vũ trung hưng”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here