Nhắc tới Vương Chiêu Quân, người ta thường xem nàng như một  đóa hoa tươi bị hủy hoại và thường nhỏ những giọt nước mắt thương cảm.

Rất nhiều người nguyền rủa họa sĩ Mao Diên Thọ, vì sao lại vẽ hình Vương Chiêu Quân xấu đi để khi Hán Nguyên Đế tuyển cung phi đã không chọn nàng; rồi tới khi trước mặt Đan vu Hung Nô, Mao Diên Thọ lại không nói xấu nàng, để cho Vương Chiêu Quân phải run rẩy trong gió thu, ôm chiếc đàn tỳ bà xuất tái?

Truyện lưu truyền trong dân gian về nàng Vương Chiêu Quân chủ yếu ảnh hưởng bởi vở kịch “Hán Cung Thu” của nhà viết  kịch Mã Chí Viễn đời Nguyên. Là một vở kịch nghệ thuật, có thể nói tác phẩm của Mã Chí Viễn thành công, nhưng đó chỉ là một tác phảm hư cấu, không phải cuộc sống chân thực.

Năm 57 trước CN, nội bộ Hung Nô xảy ra chia rẽ, có tới 5 Đan vu vương cùng xưng danh. Nội bộ tranh giành, anh em ruột thịt đánh giết nhau để giành quyền thống trị. Sau mấy năm chiến tranh, chỉ còn lại hai người là Hô Hàn Nha Đan vu và Chất Chi Đan vu cùng tồn tại.

Năm 54 trước CN, Chất Chi Đan vu tiến công mãnh liệt Hô Hàn Nha Đan vu. Hô Hàn Nha Đan vu đem quân chống lại, hai bên đánh giết nhau khiến trời sầu đất thảm. Qua nhiều phen kịch chiến, Hô Hàn Nha Đan vu thua dần, phải nhanh chóng rút về phía nam, cố thủ ở Mạc Nam (chỉ vùng phía nam đại sa mạc, thuộc vùng Âm Sơn, nội Mông Cổ ngày nay).

Hoàn cảnh của Hô Hàn Nha Đan vu thật khó khăn, phía bắc có Chất Chi Đan vu như hổ dữ đói mồi, phía nam có hổ dữ hùng mạnh là triều Hán. Bị kẹp ở giữa, Hô Hàn Nha Đan vu trước sau cũng sẽ bị tiêu diệt. Hô Hàn Nha Đan vu sau khí tính toán trước sau, quyết định đầu hàng triều Hán. Ông ta tin rằng có triều Hán hậu thuẫn, Chất Chi Đan vu sẽ không dám làm bừa.

Mùa xuân năm sau, Hô Hàn Nha Đan vu cử sứ giả đến Trường An, chính thức đầu hàng triều Hán. Để biểu thị thành ý, ông ta cho con trai là Hữu Hiền vương Thù Lâu Cứ Đường đến triều Hán làm con tin. Chất Chi Đan vu nghe tin, hoảng sợ, lo Hô Hàn Nha Đan vu được triều Hán ủng hộ sẽ giành lại đất đai. Để tỏ ra không có ý đối địch với triều Hán, Chất Chi Đan vu cũng cho con trai là Hữu Đại tướng Câu Vu Lợi đến Trường An làm con tin. Từ đó về sau, Hung Nô chia làm hai Nam và Bắc. Phía nam là Hô Hàn Nha Đan vu chiếm giữ, còn phía bắc do Chất Chi Đan vu làm chủ.

Tháng 1 năm 51 trước CN, Hô Hàn Nha Đan vu đến Trường An yết kiến Hán Tuyên Đế. Nghe tin, Hán Tuyên Đế vô cùng vui mừng. Từ Tiên Tần tới giờ, biên giới phía bắc luôn luôn trong tình trạng không ổn định, bây giờ Hô Hàn Nha Đan vu đích thân tới triều kiến xưng thần, làm sao Hán Tuyên Đế có thể thờ ơ? Vua Hán nhiệt tình tiếp đãi Hô Hàn Nha Đan vu, không những ban cho ông ta rất nhiều lễ vật, còn ban ấn “Hung Nô Đan vu tỷ”, thừa nhận Hô Hàn Nha Đan vu là thủ lĩnh tối cao của Hung Nô. Hô Hàn Nha Đan vu quỳ nhận kim ấn, thừa nhận quan hệ vua tôi. Tháng 2 năm ấy, Hô Hàn Nha Đan vu trở về Mạc Nam, Hán Tuyên Đế cho quân hộ tống, lại cho Cao Xương hầu Đổng Xương ở lại Hung Nô, giúp Hô Hàn Nha Đan vu bảo vệ Mạc Nam.

Năm 50 trước CN, Hô Hàn Nha Đan vu cho sứ giả đến Trường An, dâng rất nhiều lễ vật lên Hán Tuyên Đế. Chất Chi Đan vu nghe tin, không chịu kém, cũng vội cho người tới Trường An dâng lễ. Ông ta sợ đánh được Hô Hàn Nha Đan vu đã mất rất nhiều công sức, nếu Hô Hàn Nha Đan vu mượn được thế lực triều Hán để phục thù, chắc chắn ông ta sẽ thua trận. Dâng lễ vật cho triều Hán chính là để biểu thị thiện ý.

Tháng 1 năm 49 trước CN, Hô Hàn Nha Đan vu lại đến triều kiến Hán Tuyên Đế, Quan hệ giữa hai bên ngày càng gần gũi. Hô Hàn Nha Đan vu được Hán triều làm hậu thuẫn, không còn sợ Chất Chi Đan vu tiến công. Triều Hán có Mạc Nam làm binh phong, không còn phải lo sợ tình hình biên cương phía bắc bất ổn.

Tháng 12 năm đó, Hán Tuyên  Đế mất, Hán Nguyên Đế lên ngôi. Năm sau Hô Hàn Nha Đan vu dâng thư lên  Hán Nguyên Đế báo Mạc Nam gặp thiên tai, đời sống dân chúng khốn khổ.  Hán Nguyên Đế hạ chiếu cho hai quận Vân Trung và Ngũ Nguyên cho Mạc Nam vay hai vạn hộc lương thực cứu đói. Có được số lương thực này, Hô Hàn Nha Đan vu qua được cơn khó khăn.

Chất Chi Đan vu thấy quan hệ giữa Hô Hàn Nha Đan vu và triều Hán ngày càng thân mật, lo ngay ngáy. Trường kỳ tồn tại cùng Hô Hàn Nha Đan vu trong tình trạng này không phải là điều hay, Hô Hàn Nha Đan vu sớm muộn cũng sẽ phục thù. Chất Chi Đan vu cuối cùng hạ quyết tâm bỏ Vương Đình tiến về phía tây để tìm sự an toàn. Chất Chi Đan vu bỏ đi, Hô Hàn Nha Đan vu trở lại phía bắc, chiếm lại Vương Đình.

Năm 33 trước CN, Hô Hàn Nha Đan vu lần thứ ba đến Trường An để củng cố quan hệ với triều Hán, ông ta xin “hòa thân” (lấy vợ người Hán). Để đảm bảo an toàn ở biên cương phía bắc, Hán Nguyên Đế đã thỏa mãn thỉnh cầu của ông ta.

 “Hòa thân” giữa triều Hán và các nước láng giềng trước đây đều bằng cách đem công chúa hoặc con gái trong Hoàng tộc gả cho họ. Lần này,  Hán Nguyên Đế quyết định chọn một cung nữ xinh đẹp cho Hô Hàn Nha Đan vu làm vợ.

Cung nữ trong hậu cung đều được tuyển lựa trong dân gian, một khi đã vào cung như con chim trong lồng vàng, sống cô đơn, bỏ phí tuổi thanh xuân của mình. Họ đều muốn được ra khỏi hoàng cung, đi tìm cuộc sống tự do tự tại. Nhưng lấy chồng tận phía ngoài biên giới thì khó có người chấp nhận. Đang lúc thái giám lo tìm người rất khó khăn thì có người nhận lời, đó là nàng Vương Chiêu Quân.

Vương Chiêu Quân tên là Tường, Chiêu Quân là tên chữ, nàng sinh ra trong một gia đình ở Tỷ Quy, quận Nam nơi non xanh nước biếc (Tỷ Quy, Hồ Bắc ngày nay). Từ nhỏ Vương Chiêu Quân đã xinh đẹp, thông minh, tính cách mạnh mẽ, lớn lên, được tuyển vào cung. Cuộc sống cô đơn trong cung khiến cô gái mạnh mẽ này cảm thấy chán chường. Giờ đây có cơ hội có thể thoát khỏi cái lồng, lại có ích cho đất nước, nàng không muốn bỏ lỡ. Viên quan phụ trách việc này thấy nàng chấp thuận, mừng ra mặt, coi nàng là cứu tinh. Ông ta lập tức tâu lên  Hán Nguyên Đế,  Hán Nguyên Đế hạ chỉ ưng thuận.

Hôm Vương Chiêu Quân lên đường, đường phố Trường An chăng đèn kết hoa, vô cùng náo nhiệt. Hai bên đường đầy người, quan viên lớn nhỏ trong kinh thành đều tới tiễn biệt nàng. Vương Chiêu Quân mang theo chiếc đàn tỳ bà, lên ngựa, trong lòng buồn vui lẫn lộn. Từ nay về sau, nàng có thể thoát khỏi cái lồng, đến với cuộc sống tự do, nhưng vĩnh viễn không được trở về đất nước, suốt đời sống ở nước người. Khi ra đi, Vương Chiêu Quân mang theo rất nhiều lễ vật. Trên lưng đoàn ngựa chở đầy đồ đạc, chỉ riêng tơ lụa cũng đã tới 18.000 súc.

Hô Hàn Nha Đan vu vô cùng vui sướng, vừa lấy được vợ trẻ đẹp, lại vừa tăng c quan hệ với triều Hán. Ông ta phong Vương Chiêu Quân là “Ninh Hồ Yên thị”, ý là Hoàng hậu mang lại an ninh cho Hung Nô.

Vương Chiêu Quân đến Hung Nô, giúp Hô Hàn Nha Đan vu cải cách một số tập quán lạc hậu của dân du mục. Những người Hán là hồi môn của Vương Chiêu Quân tới Hung Nô dạy cho người Hung Nô sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đảm bảo cung cấp thức ăn tinh cho gia súc, nghề chăn nuôi gia súc cũng phát triển thêm một bước. Vùng đất Hung Nô đã bắt đầu cảnh tượng phồn vinh thịnh vượng.

Quan hệ vợ chồng giữa Vương Chiêu Quân và Hô Hàn Nha Đan vu hòa hợp, năm sau đã sinh một con trai, đứa con tên là Y Đồ Trí Nha Sư, khi lớn lên được phong Hữu Nhật Trục Vương (3).

Mấy năm sau, Hô Hàn Nha Đan vu bị bệnh mất, một người con khác của ông là Phúc Châu Luy nối ngôi. Theo tập quán của người Hung Nô, Phúc Châu Luy lấy Vương Chiêu Quân làm vợ. Sau đó, nàng lại sinh hai người con gái, lớn là Tu Bộc Cư Thứ, nhỏ là Đương Vu Cư Thứ.

Vương Chiêu Quân xa quê hương mình không có dịp trở về. Khi chết, nàng được an táng trên một sườn dốc cây cỏ tươi tốt ở Quy Hoa (Hu Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ ngày nay). Cỏ xanh ở đó rất tươi tốt, người ta gọi mộ của nàng là “Thanh trủy”. Do đã mang lại thái bình và phồn vinh cho người Hung Nô, nàng rất được người Hung Nô kính trọng. Tên gọi “Thanh trủy” chính thể hiện sự kính trọng ấy.

Nhà sử học nổi tiếng Tiễn Bá Hán trong “Nội Mông phương cổ” đã viết:

“Dưới núi Đại Thanh, chỉ có một con đường không bao giờ bị quên lãng, đó chính là con đường dẫn tới mộ Vương Chiêu Quân.”

Trong lòng nhân dân Nội Mông, Vương Chiêu Quân không chỉ là một con người, nàng còn là một biểu tượng, biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc; mộ Vương Chiêu Quân cũng không chỉ là một ngôi mộ, nó còn là đài kỷ niệm tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

 

Chú thích:

  1. Hán Nguyên Đế: trị vì từ 49 trước CN tới 33 trước CÔNG NHÂN, con của Hán Tuyên  Đế.
  2. Tỳ bà: nhạc khí cổ
  3. Nhật Trục Vương: chức quan Hung Nô, có chia Tả, Hữu.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hay quá ông anh ạ! Tìm hiểu giai thoại lịch sử Tàu qua trang nhà của ông anh là nhất. Xin chân thành cám ơn!

Trả lời Già Mất Nết Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here