Thời Hán Vũ Đế ở ngôi, kinh tế đất nước phồn vinh, dân chúng an cư lạc nghiệp. Nhưng Hán Vũ Đế phải nhiều năm chống Hung Nô, bảo vệ địa vị của một nước lớn, chi phí rất tốn kém. Để cữu vãn nguy cơ tài chính, Hán Vũ Đế bắt đầu mời và trọng dụng một số người có đầu óc kinh tế. Đây là cơ hội để Tang Hoằng Dương bước lên vũ đài lịch sử.

Tang Hoằng Dương sinh trưởng trong một gia đình nhà buôn lớn ở Lạc Dương. Người Lạc Dương kinh doanh có truyền thống, năng lực tính toán và tiền bạc của họ cũng hơn hẳn so với người ở những nơi khác. Được hai hoàn cảnh chung và riêng hun đúc, Tang Hoằng Dương ngay từ nhỏ đã lộ rõ thiên phú cơ bản của một nhà kinh doanh. Người khác dùng công cụ, còn ông chỉ có tính nhẩm, không chỉ nhanh mà còn hệ thống. Từ năm 13 tuổi, ông đã được đưa vào cung đình, hơn hai mươi năm làm Thị trung(1) bên cạnh Vũ Đế nhưng vẫn chưa có cơ hội thi thố tài năng. Mong muốn khôi phục kinh tế của Hán Vũ Đế là điều kiện vô cùng thuận lợi để Tang Hoằng Dương bộc lộ năng lực khác thường. Ông đã nắm lấy cơ hội, kiến nghị những kế hoạch có tính hệ thống với Hán Vũ Đế. Vũ Đế vô cùng sung sướng vì phát hiện ra một con người có tài ngay bên cạnh mình. Ông lập tức chấp nhận những kiến nghị của Tang Hoằng Dương, thực hiện các biện pháp cải cách.

Năm 119 trước CN, cái cách bắt đầu được thực hiện.

Việc đầu tiên mà Tang Hoằng Dương làm là phát hành “Bạch lộc bì tệ” và “Bạch kim tệ”. “Bạch lộc bì tệ” là dùng da hươu trắng tạo nên, có dạng hình vuông, xung quanh vẽ hoa văn màu sắc đẹp đẽ, mỗi đồng trị giá 40 vạn tiền. Đây không phải là đồng tiền phổ biến, nó chỉ là một hình thức tiền tệ trao đổi trong nội bộ triều đình và tầng lớp thống trị, dùng nó có thể đổi được ra tiền. Đồng tiền thật chính là “Bạch kim tệ” do hợp kim bạc-thiếc chế thành, chia làm ba loại: 3.000 tiền, 500 tiền và 300 tiền. Phát hành Bạch kim tệ là đánh vào thế lực thương nhân. Ai ngờ, do giá trị của Bạch kim tệ quá cao nên nảy sinh hiện tượng đúc tiền riêng, đúc trộm trên quy mô lớn, làm cho tài chính quốc gia bị phá hoại nghiêm trọng. Cuối cùng, chế độ này chỉ thực hành được bốn năm thì phải loại bỏ.

Đồng thời với việc phát hành tiền mới, Tang Hoằng Dương lại thực hiện chính sách “toán mân” và “cáo mân”. “Toán mân” là nhằm vào nhà buôn, người cho vay nặng lãi để thu thuế tài sản, nhằm tăng thu nhập cho quốc khố. “Cáo mân: là nhằm vào thương nhân không khai báo tài sản trung thực, khi phát hiện, bị phạt đi lính thú nơi biên cương một năm, tịch thu toàn bộ tài sản. Người tố giác có thể được hưởng một nửa số tài sản bị tịch thu. Chính sách này đã hạn chế được việc mưu lợi phi pháp của tầng lớp thương nhân., lại tăng thêm thu nhập cho quốc gia.

Việc thứ ba Tang Hoằng Dương thực hiện là đặt chức quan coi nghề muối, sắt (diêm thiết). Dưới triều Hán, người làm nghề buôn muối và sắt không bị hạn chế. Một số thương nhân làm hai nghề này đã phát tài, tiền quấn đầy lưng. Ông cho rằng việc này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của quốc gia, kiên quyết thực hiện chủ trương nhà nước độc quyền kinh doanh muối, sắt. Ông còn cử những người có hiểu biết tham gia quản lý việc này. Nhà buôn muối lớn ở Sơn Đông Quách Hàm Dương và nhà buôn sắt Hà Nam Khổng Cẩn được đặc cách thăng Đại nông thừa, phụ trách công tác diêm thiết (muối và sắt). Nhờ sự nỗ lực chung của ba người, đất nước về cơ bản đã thực hiện được độc quyền trong hai lĩnh vực này. Việc này không chỉ tăng cường vai trò thống trị tập quyền của chính quyền trung ương mà còn tăng thu nhập cho nền tài chính của Tây Hán.

Hán Vũ Đế thấy những chính sách này rất có lợi cho kinh tế quốc gia, vô cùng phấn khởi. Năm 115 trước CN, vua thăng Khổng Cẩn làm Đại nông lệnh (3), Tang Hoằng Dương thay Khổng Cẩn làm Đại nông thừa. Thời gian này, Tang Hoằng Dương lại làm ba việc. Đầu tiên là phát động một đợt “cáo mân” đại quy mô. Vốn lệnh “toán mân” sau khi ban bố, một só thương nhân và người cho vay nặng lãi để bảo vệ lợi ích của mình đã không báo cáo trung thực tài sản với triều đình, nên chính sách này thực hện không nghiêm chỉnh. Được Hán Vũ Đế phê chuẩn, Tang Hoằng Dương đã cho người tới các địa phương quán triệt nghiêm ngặt “cáo mân pháp”, tịch thu toàn bộ của cải, ruộng đất, nô tì, tiến hành một cuộc trừng trị triệt để với các phú thương gian lận. Chính sách thứ hai ông đã áp dụng là thực hiện thống nhất  chế độ tiền tệ, quyền đúc tiền tập trung về trung ương, sử dụng “Ngũ trúc tiền”  (4) mới. Từ đầu đời Hán tới lúc này, chế độ tiền tệ tương đối hỗn loạn. Mấy lần cải cách trước chưa phát huy hiệu quả, ngược lại, còn làm cho kinh tế xã hội rối ren, thiếu ổn định. Tang Hoằng Dương một mặt nghiêm cấm các quận quốc tự đúc tiền, một mặt thống nhất tiền tệ, tập trung quyền đúc tiền về trung ương. Cải cách lần này dã giành được những thành công to lớn. Từ đó, chế độ tiền tệ của triều Hán được kiện toàn, xã hội cũng dần ổn định phồn vinh trở lại.

Ngoài hai chính sách đó, cải cách thứ ba của Tang Hoằng Dương là là thử việc “quân luân”. Trước đây, hàng năm, các quận quốc đều phải tiến cống các sản vật cho chính quyền trung ương. Do đường xá xa xôi, thương nhân có điều kiện mưu lợi, chẳng những sản vật tiến cống dễ bị hao hụt mà còn làm chi phí cho các quận quốc tăng thêm trong khi triều đình cũng không có lợi gì. Tang Hoằng Dương đã vận dụng linh hoạt kinh nghiệm vận chuyển của thương nhân, sáng tạo “quân luân pháp”. Biện pháp cụ thể là: các quận quốc đem các sản vật nộp lên trên cùng với chi phí để vận chuyển  quy thành tiền theo giá cả ở địa phương rồi giao cho các “quân luân phú”. Họ đem các sản vật này, một phần nộp cho triều đình, một phần đưa tới các nơi có nhu cầu để bán, rồi nộp số tiền đó cho triều đình. Như vậy, các sản vật này đã được luân chuyển thành hàng hóa trên thị trường, triều đình lại có thêm tiền  để chi phí cho việc quân sự khi cần.

Năm 110 trước CN, Khổng Cẩn do không chuyên tâm vào công việc của triều đình, bị tước tất cả các chức vụ. Tang Hoằng Dương với công lao đã có, được thăng Trị túc đô úy, chức trách như Đại nông lệnh. Ông lúc này đã trở thành người thống lĩnh về mặt tài chính của quốc gia. Sau khi  nắm độc quyền tài chính, Tang Hoằng Dương tiếp tục đổi mới những hoạt động trước đây. Không chỉ tăng cường chỉnh đốn việc độc quyền diêm thiết, ông còn mở rộng toàn diện chính sách “quân luân”. Kinh tế cả nước bước vào giai đoạn phồn vinh, tiền thuế của dân nộp vào ngân sách quốc gia không ngừng tăng. Đồng thời, ông lại thực hiện hai chính sách mới:

Một là thực hiện rộng rãi “bình chuẩn”. Đai nông lệnh thiết kế một cơ cấu “bình chuẩn”: Vật tư của quốc gia đều được quản lý bằng cơ cấu này. Khi giá cả trên thị trường Trường An quá cao, Bình chuẩn trưởng sẽ đem hàng hóa trong kho ra bán với giá thấp, khi giá các sản phẩm đã hạ, Bình chuẩn trưởng sẽ tiến hành thu mua để bù đắp vào số hàng hóa thiếu hụt. Thông qua chính sách này, giá cả đảm bảo tương đối ổn định. Nó cũng đánh vào hành động đầu cơ trục lợi của một số thương nhân. Về mặt quản lý trên bình diện quốc gia, chính sách này vô cùng có lợi. Việc thứ hai Tang Hoằng Dương đã tiến hành là thực hiện việc độc quyền rượu. Cũng giống như quan diêm thiết, độc quyền rượu đã khiến vương triều Hán thêm một nguồn tài chính phong phú.

Nhiều biện pháp của Tang Hoằng Dương đã giúp Hán Vũ Đế thu được rất nhiều tiền bạc, tạm thời hòa hoãn được nguy cơ thiết hụt tài chính của  vương triều Tây Hán. Năm 104 trước CN, Hán Vũ Đế đổi tên Đại nông lệnh thành Đại tư nông, các ngành phía dưới cũng được kiện toàn. Năm 100 trước CN, Tang Hoằng Dương được chính thức nhận chức Đại tư nông, chức này có quyền hạn còn lớn hơn chức Đại nông lệnh trước đây.

Khi Vũ Đế chết, Tang Hoằng Dương đã là một Phụ chính đại thần. Năng lực tài chính của ông có sự kết hợp hài hòa với kinh doanh. Tiếc rằng sau đó, ỷ vào công lao và năng lực, Tang Hoằng Dương sinh kiêu ngạo, thậm chí còn tham gia việc mưu phản, bị lên đoạn đầu đài. Nhưng cuộc đời tích cực làm việc, có những cống hiến khác thường cho vương triều Hán là không thể phủ nhận. Sáng kiến Ngũ trúc tiền của ông trải qua 700 năm từ đời Hán đến đời Tùy vẫn được áp dụng và được tiếp tục cho tới ngày nay, trở thành một quy tắc hoàn toàn không thay đổi. Tang Hoằng Dương đã trở thành công thần hưng lợi trừ hại được lưu danh hậu thế, lý luận và những chính sách kinh tế của ông có tác dụng mở đường và hình mẫu cho nhiều đời sau.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here