Sau khi Ngu Thuấn chết, Hạ Vũ chính thức trở thành lãnh tụ của liên minh bộ lạc, đây chính là sự mở đầu của triều Hạ. Triều Hạ là triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, Hạ Vũ là ông vua đầu tiên của triều Hạ. Cương vực của triều Hạ đã vượt qua lưu vực sông Hoàng Hà, về phía nam đến lưu vực sông Trường Giang, phía đông đến vùng Giang Triết.

Về cuối đời, Hạ Vũ đã theo lệ cũ, chỉ định người kế thừa. Lúc đầu, người được chỉ định là Cao Đào, nhưng dự đoán Cao Đào sẽ chết sớm, mọi người lại cứ con của Cao Đào là Bá Ích. Mười năm sau, Hạ Vũ đi tuần đến Hội Kê rồi chết ở đó. Lẽ ra Bá Ích sẽ kế thừa ngôi vua, nhưng con của Hạ Vũ là Hạ Khải không đồng ý. Hạ Khải nói rằng thiên hạ là do Hạ Vũ đã trải qua bao gian khổ mới có được, đã trở thành di sản của nhà họ, cha chết, di sản đó đương nhiên truyền cho con, cho nên ngôi vua tất phải do Khải kế thừa. Hạ Khải dùng vũ lực bắt Bá Ích đưa đến Cơ Sơn ở phương nam, công khai tuyên bố mình là ông vua thứ hai của triều Hạ.

Khi Hạ Khải mới lên ngôi, nhiều bộ lạc không tán thành. Có một bộ lạc thủ lĩnh là Hữu Hộ Thị chỉ trích Hạ Khải: “Tiên vương đã chỉ định Bá Ích kế thừa ngôi vị, nhà ngươi phải nhường ngôi ngay cho ông ta!”. Hạ Khải nổi giận: “Ta nhất định phải cho Hữu Hộ Thị biết mặt, không thế, sau này tất còn nhiều người chống lại!”. Không lâu sau, một cuộc đấu sức giữa hai bên nổ ra ở Can Trạch. Trận này máu chảy đầy đất, trời đất u tối. Lúc bấy giờ, Hữu Hộ Thị là một bậc thầy có tiếng, quân của ông ta càng đánh càng hăng, quân của Hạ Khải bị đánh cho tơi tả, dường như suy sụp đến nơi.

Thần tử của Hạ Khải kiến nghị bổ sung quân số, chỉnh đốn lực lượng, chuẩn bị chiến đấu lần thứ hai. Nhưng Hạ Khải nghe rồi lắc đầu. Ông ta hiểu rằng không ít người không tán thành biện pháp con nối ngôi cha nên không ủng hộ ông ta, đánh trận nữa chưa chắc đã thắng lợi, đầu tiên cần phải thu phục nhân tâm.

Vì thế Hạ Khải yêu cầu nghiêm khắc với bản thân, phải trở thành một ông vua hiền minh. Ông ta sống tiết kiệm, chống lại việc phô trương lãng phí, chỉ ăn uống những thứ rau cỏ thông thường, ngủ chỉ dùng đệm cũ thô ráp; trừ việc tế thần và cúng giỗ tổ tiên, ông ta không diễn tấu âm nhạc. Ông còn yêu mến trẻ con, kính trọng người già, tin dùng người hiền. Ai có bản lĩnh đều  được mời đến để trọng dụng, ai hiểu rõ võ nghệ được mời đến để chỉ huy binh lính. Hạ Khải thu phục được  lòng người, lòng chân thành mang lại hiệu quả. Mới qua một năm, tiếng tăm của ông ta càng được đề cao. Mọi người thường nói: Hạ Khải thật không hổ thẹn là đứa con ngoan của Hạ Vũ, thiên hạ sao không giao cho người như thế cai trị?” Cứ thế, một truyền mười, mười truyền trăm, mọi người gần xa đều biết Hạ Khải là ông vua hiền.

Hạ Khải thấy lòng người đã hướng về mình, một lần nữa, phát động chiến tranh chống lại Hữu Hộ Thị. Hạ Khải vừa hạ lệnh, quân Hạ như từng đợt sóng tiến vào nơi có quân của Hữu Hạ Thị. Quân của Hữu Hạ Thị từ sau chiến thắng nảy sinh coi thường Hạ Khải, khi đột nhiên có động mới vội vàng mang quân ứng chiến. Quân hai bên gặp nhau ở chiến trường, lập tức bày trận thế, giao chiến. Hạ Khải triệu tập lục quân, ban bố lệnh động viên trước trận tiền. Căn giận sục sôi, Hạ Khải nói: “Hỡi tướng sĩ lục quân, ta ban bố mệnh lệnh với các ngươi. Hữu Hộ Thị bạo ngược vô đạo, trời cao đã cắt đứt vận của hắn, nay ta phụng mệnh trời, đến đây trừng phạt. Các tướng sĩ nghe theo mệnh lệnh này, anh dũng tiến công. Hễ ai dũng cảm chiến đấu, có thưởng, ai bỏ chạy khi lâm trận, xử chết! Các tướng sĩ, tiến lên!”

Hạ Khải vừa dứt lời, tướng sĩ đã gào thét vang lừng, chấn động cả trời đất. Quân của Hữu Hộ Thị mới nghe đã hoảng loạn. Quân Hạ như nước triều xông tới, quân Hữu Hộ Thị tan vỡ, bản thân hắn cũng bị bắt làm tù binh. Trừ được Hữu Hộ Thị, Hạ Khải cũng không khỏi lo lắng. Hạ Khải tuyên bố: “Quân của Hữu Hộ Thị đưa đến thảo nguyên làm nô lệ chăn thả trâu dê; tù binh bắt được chia cho quân quan của triều Hạ làm nô lệ”. Đây thật là giết một dọa trăm.

Từ đó không ít các thủ lĩnh bộ lạc tin phục, không ai còn dám nói tới chữ “chống”.

Hạ Khải cuối cùng đã ổn định được giang sơn, cha truyền cho con, anh truyền cho em, chế độ gia thiên hạ đã hình thành. Điều này thể hiện chế độ công xã thị tộc thời kỳ cuối của xã hội nguyên thủy ở Trung Quốc đã bị phá hoại triệt để, chế độ tư hữu tài sản chính thức được xác lập, giai cấp bắt đầu xuất hiện, xã hội nô lệ hình thành, hình hài của quốc gia đã manh nha.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here