Theo truyền thuyết, sau Hoàng Đế, qua một số năm, Nghiêu đã trở thành thủ lĩnh của liên minh bộ lạc.

Nghiêu họ Y Kỳ, tên là Phóng Huân, hiệu Đào Đường Thị, gọi tắt là Đường Nghiêu. Sách cổ nói Đường Nghiêu rất giỏi việc cai trị thiên hạ, ông hạ lệnh cho Hy và Hòa giữ việc cai quản trời đất, cử Hy Trọng, Hy Thúc, Hòa Trọng, Hòa Thúc cai quản bốn phương đông tây nam bắc. Ông còn chế định lịch pháp, quy định một năm có 366 ngày, chia làm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; khiến các nghề nông nghiệp, chăn nuôi, đánh cá, săn bắn đều căn cứ vào mùa mà sản xuất.

Truyền thuyết nói Nghiêu từ năm 16 tuổi đã cai trị thiên hạ, ở ngôi 70 năm. Đến năm 86 tuổi, ông thấy mình đã tuổi già sức yếu, muốn tìm một người để thay mình. Ông thông báo việc này đi các nơi, kêu gọi mọi người tiến cử người hiền tài.

Không lâu sau, mọi người tiến cử Ngu Thuấn, nói đây là người có phẩm chất tốt, lại có tài năng, có thể kế thừa được Nghiêu.

Ngu Thuấn họ Diêu, tên Trùng Hoa, là người Ích Châu. Cha của ông là người cực kỳ hồ đồ, mọi người gọi là “ông già mù”. Mẹ của ông mất sớm, mẹ kế rất tồi. Em do mẹ kế sinh ra gọi là Tượng, ngạo mạn không thể nói hết, người cha lại rất nuông chiều. Sống trong gia đình như thế, Thuấn đối xử với cha mẹ và em rất tốt. Cho nên mọi người cho rằng Thuấn là người vừa có đức, vừa có tài. Nghiêu nghe nói rất vui mừng, quyết định trước hết cần kiểm tra lại. Ông đem hai người con gái mình là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho Thuấn, làm cho Thuấn vựa thóc, cho Thuấn rất nhiều trâu, dê. Mẹ kế và em thấy thế vừa thích thú vừa ghen ghét, cùng với người cha mấy lần bầy kế hãm hại Thuấn.

Có lần, người cha bảo Thuấn lên sửa chữa nóc của kho thóc. Khi Thuấn dùng thang trèo lên nóc, người cha đã đốt lửa ở dưới, muốn thiêu chết Thuấn. Thuấn ở trên mái, thấy lửa cháy, tìm thang để xuống, nhưng không thấy thang đâu. Rất may Thuấn có mang theo hai cái nón để che nắng, ông hai tay cầm hai cái nón, giống như chim hạ cánh xuống. Cái nón được gió đỡ nhẹ nhàng, Thuấn từ từ rơi xuống đất, không bị xây xát gì.

Người cha và Tượng vẫn không cam chịu. Họ lại bảo Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn đang đào giếng, người cha và Tượng ở trên ném đất đá xuống, định lấp giếng chôn luôn Thuấn. Không ngờ Thuấn ở dưới giếng đã đào một cái hầm chui vào, lại an toàn trở về nhà.

Tượng không biết là Thuấn đã thoát khỏi nguy hiểm, về đến nhà, nói với cha: “Lần này thì hắn chết rồi. Kế hay này là do con nghĩ ra. Bây giờ chúng ta có thể chia tài sản của hắn”. Nói xong, hắn tới nơi ở của Thuấn, đâu ngờ, khi bước vào nhà, hắn thấy Thuấn đang chơi đàn. Tượng hoảng sợ, vội nói: “Trời ơi, anh, em đang nghĩ đến anh, làm sao anh ở dưới giếng suốt nửa ngày mà không lên, em cứ nghĩ là anh đã chết rồi!”

Thuấn cũng coi như không có chuyện gì, nói: “Em thật là người tốt, chuyện của anh thì dài lắm, đang mong em giúp anh giải quyết”.

Sau đó Thuấn quên đi việc của Tượng trong quá khứ, giữ hòa khí với cha, mẹ kế và em. Người cha và em từ đấy cũng không dám hãm hại Thuấn nữa.

Nghiêu nghe mọi người kể lại mọi chuyện của Thuấn, lại qua kiểm tra, cho rằng Thuấn đúng là người có tài có đức vẹn toàn, nhường địa vị thủ lĩnh cho Thuấn. Việc nhường ngôi này lịch sử gọ là “thiền nhượng”. Thực ra, trong thời kỳ công xã thị tộc, thủ lĩnh bộ lạc khi đã già dùng cách tuyển cử để lựa chọn thủ lĩnh, việc này không phải là hiếm thấy.

Sau khi nối ngôi, Thuấn cũng là người chuyên cần, cùng trăm họ lao động, được sự tín nhiệm của mọi người. Được mấy năm, Nghiêu chết, Thuấn còn muốn đem địa vị thủ lĩnh của liên minh bộ lạc nhường cho con của Nghiêu là Đan Chu nhưng không được mọi người tán thành. Khi đó, Thuấn mới chính thức lên ngôi thủ lĩnh. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here