• ĐI TÌM NGUỒN GỐC LÂU ĐỜI

    CHỮ HÁN CÓ PHẢI DO “THƯƠNG HIỆT TẠO CHỮ”?

Chữ Hán từ mấy nghìn năm trước đã ra đời và ghi chép lịch sử văn hóa từ ngàn xưa của dân tộc Trung Hoa, ghi lại nền văn minh lâu đời ở vùng đất Hoàng thổ. Hình thức độc đáo và cách sử dụng đa dạng khiến chữ Hán có một phong cách riêng không trộn lẫn. Vậy chữ Hán đã được ra đời như thế nào? Ai là người phát minh ra chữ Hán? Về vấn đề này, từ xưa tới nay có nhiều kiến giải khác nhau, nhưng giả thuyết phổ biến nhất được lưu truyền là “Thương Hiệt tạo chữ”.

 “Thương Hiệt tạo chữ” là một truyền thuyết rất đẹp và thần bí. Thương Hiệt vốn là sử quan của Hoàng Đế, ông có bốn con ngươi, có thể trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, còn có thể nhìn thấy những thứ mà người bình thường không thấy. Thời Hoàng Đế, người ta còn ghi nhớ bằng cách quấn thừng, phương pháp này giản đơn nên không thể ghi lại được những sự việc hay hoàn cảnh phức tạp. Vì không có cách nào để ghi lại những gì chính xác, truyền đạt những suy nghĩ của riêng mình nên việc ghi lại để truyền cho nhau những hiểu biết về canh tác nông nghiệp gặp rất nhiều trở ngại. Quan tâm đến đời sống của muôn dân, Hoàng Đế đã ra lệnh cho Thương  Hiệt  phải tìm ra phương pháp để ghi chép. Sau khi nhận lệnh từ Hoàng Đế, Thương Hiệt bèn làm một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Vĩ Thủy, ngày ngày tìm tòi, suy tư đến mức tới bữa quên ăn, tới đêm quên ngủ, suốt ngày đầu bù tóc rối, thời gian trôi qua rất mau mà ông vẫn chưa tìm ra cách nào hữu hiệu. Một hôm, ông đứng trầm tư dưới bóng cây trước cửa nhà, thấy một con Phượng hoàng bay qua, đánh rơi một vật gì trước mặt. Thương Hiệt nhặt lấy quan sát kỹ thấy một vật nhỏ có nhiều đường nét, chưa từng thấy bao giờ, vô cùng đẹp đẽ. Lúc ấy có một người đi săn vừa tới, nhìn thấy cái vật ấy, nói với Thương Hiệt đó là cái móng của con Tỳ Hưu, nó không giống với bất cứ móng của một loài muông thú nào, trên thế gian này không một loài móng vuốt nào giống với nó. Từ lời của người đi săn, Thương Hiệt bỗng phát hiện ra, hình như ông chưa tìm ra cách viết chữ là do đang “khép cửa đóng xe” (Thành ngữ nói người đóng cái xe trong nhà, nhưng khi xe làm xong không đưa ra khỏi nhà được vì xe lớn hơn cửa). Vì thế, ông bắt đầu lên đường chu du bốn phương, vượt núi băng sông, thấy bất cứ cái gì cũng quan sát tỉ mỉ và suy nghĩ  cẩn thận và ghi nhớ những đặc điểm của chúng, từ phong hoa tuyết nguyệt, chim bay thú chạy đến mặt trời mặt trăng và các vì tinh tú đều trở thành nguồn cảm hứng cho ông. Những cảm hứng đẹp đẽ và nơi chốn đã đi qua dần trở thành những chữ tượng hình đầu tiên. Truyền thuyết kể lại rằng khi tạo chữ, Trời xanh không đồng tình với việc làm của ông, cứ đêm tới, ông lại nghe những âm thanh thê lương của quỷ khốc thần sầu. Thương Hiệt dâng những chữ đã tạo ra được lên Hoàng Đế, xem xong, Hoàng Đế vô cùng vừa lòng, lập tức triệu tập Tù trưởng của Cửu Châu lại để Thương Hiệt truyền cho những chữ đã tạo được. Sau đó, Tù trưởng Cửu Châu lại ra sức truyền dạy cho các bộ lạc và lãnh thổ trong quyền cai trị của mình. Vì thế, mọi người trong Cửu Châu đều bắt đầu biết sử dụng những chữ này trở thành phương tiện rất hữu ích để trao đổi tin tức trong cuộc sống.

Về giả thuyết này, rất nhiều sách vở đã có những ghi chép tương tự. Trong sách “Hoài Nam Tử” của Hoài Nam vương Lưu An đời Hán có ghi: “Hiệt tác thư, thiên vũ túc, quỷ dạ khốc” (Hiệt viết sách, ngày trời mưa như hạt kê, đêm quỷ khóc). Nhà sử học vĩ đại nhất đời Hán là Tư Mã Thiên trong “Sử ký”, viết: “Tạo đoan cánh vi, tiền thủy vị hữu, nhược Thương Hiệt tác vi… thị dã”. Đến đời Đông Hán, Hứa Thận rõ ràng hơn đã viết trong “Thuyết văn giải tự”: “Hoàng Đế chi sử Thương Hiệt, kiến ô thú đề hàng chi tích, tri phân lý chi khả tương biệt dị dã, sơ tạo thư khiết”.. Trong “Duyễn châu tục chí” viết: “Thương Hiệt, Phùng Dực nhân, Hoàng Đế sử quan dã. Sinh tứ mục, quan ô tích nhi chế tự”. Ngoài ra, để ghi nhớ công lao tạo chữ của Thương Hiệt, người đời sau còn căn cứ và truyền thuyết đã dựng đài “Phượng hoàng hàn thư đài” ở phía nam thành Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam để ghi nhớ Thương Hiệt tạo chữ, đến đời Tống, còn có người xây dựng ở đây một tòa miếu gọi là “Phượng đài tự”. Thậm chí, phần mộ của Thương Hiệt còn có ở nhiều nơi, các nhà khảo cổ đã phát hiện một di chỉ văn hóa ở thôn Vương Tông Thang, trấn Đồng Thành cách nay hơn 4.000 năm, truyền thuyết nói nơi đây vốn được gọi là “Thương vương phần”, trước ngôi mộ, có một kiến trúc gọi là “Thương vương tự”. Có thể thấy, thuyết Thương Hiệt tạo chữ có rất nhiều căn cứ và được nhiều người thừa nhận.

Nhưng nếu nói một cách khách quan và có lý lẽ, sự đa dạng và phức tạp của chữ Hán không thể do một người phát minh trong thời gian ngắn. Thời đại Thương Hiệt sống còn là thời nguyên thủy, hàng ngày, con người còn trong tình trạng “ăn gió nằm sương”, những điều căn bản nhất cho cuộc sống chưa có gì đảm bảo. Sự phức tạp và đa dạng của chữ Hán không thể phát minh trong một xã hội  mà trình độ sản xuất và trình độ văn hóa còn thấp, sự sáng tạo  này của Thương Hiệt trong thời đại ấy là hoàn toàn chưa thể. Ngoài ra, các học giả cũng đã nhận thấy, văn tự đương thời có rất nhiều dị thể, không còn nghi ngờ, đó là do sự sáng tạo của nhiều người, cho nên nói “Thương Hiệt tạo chữ” là điều khó có thể tin cậy. Khả năng lớn nhất là ông là người đã tiến hành việc chỉnh lý với một số lớn chữ viết đã được sáng tạo. Tuân Tử cũng đã từng ghi nhận: Thời cổ, người sáng tạo văn tự có rất nhiều, văn tự là do nhiều người phát minh, công lao của Thương Hiệt chỉ là chỉnh lý những chữ đã có. Khảo cổ học đã có một phát hiện rất thuyết  phục  ở Tây An, trên đồ gốm được khai quật đã có những ký hiệu, những nét vẽ giản đơn, cách nay trên dưới 6.000 năm, so với thời “Thương Hiệt tạo chữ” còn sớm hơn khoảng 1.000 năm. Ngoài Thương Hiệt ra, còn có truyền thuyết Thần Nông tác Tuệ thư, Hoàng Đế tác Khứ thư, Chúc Nhung tác Cổ văn, Thiếu Ngô tác Vụ Phượng thư, Tào Dương thị tác Khoa đẩu văn, Tào Tân thị tác Tiên nhân thư, Đế Nghiêu tác Quy thư, Đại Vũ đúc Cửu đỉnh rồi tác Đỉnh văn, v.v…, có thể nói thuyết nào cũng có lý.

Các nhà nghiên cứu đã bỏ công tìm tòi hơn 2.000 năm, đã phát biểu rất nhiều ý kiến, nhưng chưa ai có thể thuyết phục được tất cả để trở thành ý kiến áp đảo.

Nhưng không cần biết tới “Thương HIệt tạo chữ” là thật hay hư, không kể nó có phải là điều đúng đắn, đây là một truyền thuyết đẹp, phản ánh tình cảm nồng nhiệt với chữ viết của dân tộc Trung Hoa, khẳng định giá trị văn hóa lâu đời được truyền lại từ xa xưa. Nó thể hiện tình cảm chân thành và mãnh liệt đối với việc tạo chữ của tổ tiên, truyền thuyết thần kỳ này khiến lòng người xúc động và tiếng thơm lưu muôn thuở.

3 BÌNH LUẬN

  1. Những bài viết của thầy hấp dẫn bởi sự tìm tòi công phu,Văn phong giản dị, dễ hiểu, có ý nghĩa cho việc tra cứu các sự kiện lịch sử cũng như phê phán nhẹ nhàng nhưng sâu sắc những hiện tượng đương đại!

  2. Tiếng nói của một dân tộc chẳng ai tin là do một người làm ra. Chữ viết hẳn cũng là thế. Bình luận một thứ đã có từ hàng ngàn năm hẳn phải dành cho nhân vật nào đó (nếu có) cũng có tuổi tương đương mới hợp lẽ. Nhân vật ấy phải tính đến hàng triệu triệu đơn vị. Khồng dám không dám.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here